Tài chính quốc tế

'Vòng lặp khủng hoảng' của Trung Quốc và hiệu ứng domino gây suy thoái toàn cầu

(VNF) - Sự thay đổi trong nhân khẩu học của Trung Quốc không chỉ tác động trực tiếp đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn khiến các quốc gia khác trên toàn cầu chịu ảnh hưởng.

'Vòng lặp khủng hoảng' của Trung Quốc và hiệu ứng domino gây suy thoái toàn cầu

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1,313 tỷ người vào năm 2050 trước khi giảm xuống còn 800 triệu người vào năm 2100.

Dân số già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên hiện chiếm 20% tổng dân số Trung Quốc. Song song với đó, tỷ lệ sinh tại quốc gia này đã giảm đáng kể, từ 17,86 triệu ca sinh vào năm 2016 xuống còn 9,02 triệu ca sinh vào năm 2023.

Sự thay đổi đáng kể trong nhân khẩu học của Trung Quốc được dự đoán sẽ mang đến những hậu quả kinh tế ảnh hưởng đến cả Trung Quốc và toàn cầu.

Theo The Conversation, xu hướng nhân khẩu học hiện tại có thể được xem là một "vòng lặp khủng hoảng", cản trở những tiến bộ công nghệ và đổi mới ở Trung Quốc. Một số nghiên cứu cho thấy năng suất lao động sẽ thay đổi theo độ tuổi và có xu hướng giảm mạnh khi lực lượng lao động ngày càng già đi. Năng suất lao động thấp hơn có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc.

Nếu tốc độ tăng trưởng dân số giảm xuống 0 hoặc thậm chí là âm thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một sự trì trệ mới, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Dân số già tăng cao cũng tác động trực tiếp đến lĩnh vực thương mại bán lẻ khi số lượng người tiêu dùng giảm.

Ngoài ra, nhu cầu thấp hơn cũng có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản.

Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng.

Thêm vào đó là áp lực to lớn đối với thế hệ trẻ trong việc hỗ trợ dân số già, khi có ít người hơn chăm sóc nhiều người già hơn. Chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc người cao tuổi cũng sẽ tăng lên khi mọi người sống lâu hơn.

Nhà khoa học cấp cao Yi Fuxian của Đại học Wisconsin - Madison nhận định: “Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này nằm ngoài sức tưởng tượng của giới chức Trung Quốc, đồng thời triển vọng kinh tế của Trung Quốc ảm đạm hơn dự kiến. Suy thoái kinh tế hiện nay của Trung Quốc không phải theo chu kỳ mà mang tính cơ cấu không thể đảo ngược, và nền kinh tế Trung Quốc khó có thể vượt Mỹ”.

Không chỉ riêng Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng dân số tại quốc gia này. Trung Quốc hiện là thị trường chịu trách nhiệm cho hơn 1/3 mức tăng trưởng của thế giới và là nhà nhập khẩu lớn thứ hai toàn cầu. Vậy nên sự thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc cũng có thể tác động sâu sắc đến phần còn lại của thế giới.

Đơn cử như sự thay đổi dân số tại Trung Quốc có thể dẫn đến nhu cầu xuất khẩu thấp hơn, tác động trực tiếp lên nền kinh tế Brazil và Nam Phi, hai đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng trước sự thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc.

Khi dân số giảm, lượng khách du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc cũng sẽ giảm. Các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan và Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào khách du lịch Trung Quốc sẽ trải qua sự suy thoái đáng kể trong các lĩnh vực liên quan đến du lịch như vận tải và khách sạn.

Các tập đoàn đa quốc gia cũng sẽ chứng kiến mức sụt giảm về doanh thu khi thị trường tiêu dùng Trung Quốc chiếm phần lớn trong nguồn thu của họ.

Trước tình trạng này, Trung Quốc đã và đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn tỷ lệ sinh đang giảm mạnh và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố Trung Quốc sẽ “thiết lập hệ thống chính sách để tăng tỷ lệ sinh và theo đuổi chiến lược quốc gia chủ động nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số”.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng những nỗ lực này sẽ mất thời gian và có thể không hiệu quả.

Tiến sĩ Zhao Litao, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định những điều chỉnh này diễn ra quá muộn và quá ít để khôi phục mức sinh của Trung Quốc về mức thay thế. “Thay vì sử dụng các biện pháp khuyến khích sinh đẻ một cách vội vàng, sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc tập trung thích ứng với thực tế dân số giảm trong ngắn hạn”, ông nói.

Tin mới lên