Tiêu điểm

Vụ công ty Tenma Việt Nam bị tố hối lộ: Phòng Cảnh sát Kinh tế tỉnh Bắc Ninh vào cuộc

(VNF) - Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03, Công an tỉnh Bắc Ninh) đã có công văn yêu cầu cục Hải quan và cục Thuế tỉnh này cung cấp hồ sơ phục vụ công tác điều tra nghi vấn Công ty Tenma Việt Nam hối lộ quan chức để được miễn giảm thuế.

Vụ công ty Tenma Việt Nam bị tố hối lộ: Phòng Cảnh sát Kinh tế tỉnh Bắc Ninh vào cuộc

Vụ công ty Tenma Việt Nam bị tố hối lộ: Phòng Cảnh sát Kinh tế tỉnh Bắc Ninh vào cuộc

Cụ thể, tại công văn này, PC03 Công an tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Cục Hải quan tỉnh này cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc mở tờ khai hải quan xuất, nhập khẩu của Tenma Việt Nam từ tháng 1/2017 đến nay, cùng kết quả kiểm tra sau thông quan.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát Kinh tế tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị phía Hải quan làm rõ thông tin Tenma Việt Nam đang được hưởng những ưu đãi gì về thuế xuất nhập khẩu (thuế XNK), thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng xuất nhập khẩu.

Đồng thời, phía Hải quan phải cung cấp các biên bản kiểm tra, thanh tra liên quan đến công ty này, nếu có.

Đối với Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, phía PCO3 tỉnh Bắc Ninh yêu cầu cung cấp các hồ sơ liên quan tới việc kiểm tra thuế, giải trình của đoàn kiểm tra thuế thời điểm bị tố cáo.

Cũng trong ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng có văn bản yêu cầu Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẩn trương báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính nội dung thông tin báo chí nêu vê những nghi vấn trong việc hối lộ ủa Công ty Tenma, báo cáo Bộ trước ngày mai 26/5.

ĐBQH nói gì về nghi vấn Công ty Tenma Việt Nam hối lộ cán bộ?

Liên quan tới vụ việc này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Cơ quan chức năng của Việt Nam cần vào cuộc xem xét, xác minh và làm rõ vì vụ việc gây ảnh hưởng đến quan hệ của 2 quốc gia là Việt Nam và Nhật Bản”.

“Nếu có việc hối lộ này, số tiền 25 triệu Yên (khoảng 5,4 tỷ đồng) là số tiền rất lớn, vì vậy nếu có vi phạm thì phải kiên quyết xử lý, vì liên quan đến hành vi hối lộ và nhận hối lộ”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Nhìn nhận về vụ việc này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, nếu đó là việc làm có thật thì đó là việc làm phi pháp và điều rất đơn giản là chúng ta phải lên án hành vi đó.

“Dù chưa xác minh được toàn bộ sự việc, nhưng đây cũng là một thông tin để Việt Nam cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh, đón làn sóng đầu tư FDI sắp tới. Chính vì vậy, cơ quan luật pháp Việt Nam cần liên hệ với các cơ quan nước bạn, đề nghị cung cấp các thông tin liên quan để phối hợp cùng điều tra”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Trước đó, phản ánh của báo chí cho biết theo công hàm của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, một số hãng thông tấn, báo lớn của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei... đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu Yên (hơn 5 tỉ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.

Cụ thể, lần đầu tiên vào tháng 6/2017, công ty chủ động đề nghị trả tiền mặt 2 tỷ đồng cho cán bộ điều tra thuế địa phương, kết quả được miễn khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với mặt hàng nhập khẩu 1,79 tỷ Yên (khoảng 400 tỷ đồng). Theo tìm hiểu của Tiền Phong, lĩnh vực quản lý thuế này thuộc về Cục Hải quan Bắc Ninh.

Lần thứ hai, vào tháng 8/2019, cán bộ điều tra thuế địa phương yêu cầu phía công ty nộp trả tiền mặt 3 tỷ đồng, kết quả được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) xuống còn khoảng 530 triệu đồng (2,62 triệu Yên). Khoản thuế này thuộc lĩnh vực quản lý của Cục Thuế Bắc Ninh.

Xem thêm: Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra vụ công ty Tenma Việt Nam bị tố hối lộ 5,4 tỷ đồng

Tin mới lên