Vừa báo lợi nhuận kỷ lục, Sabeco (SAB) muốn thâu tóm thêm 2 công ty
Anh Phan -
09/02/2023 15:30 (GMT+7)
(VNF) - Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) vừa ban hành quyết định thông qua chủ trương triển khai đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn bao bì Sài Gòn (Saigon Packaging Group) phù hợp theo quy định của pháp luật.
Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, 2 công ty này sẽ trở thành công ty con của Sabeco.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) được thành lập ngày 25/11/2005. Sau nhiều lần chuyển đổi, đến ngày 14/08/2018, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco Group) với 6 nhà máy thành viên gồm: Nhà máy Bia Sài Gòn - Hoàng Quỳnh (Quận Bình Tân - TP. HCM); Nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương (Thị xã Dĩ An - Bình Dương); Nhà máy Bia Sài Gòn - Đồng Tháp (TP. Cao Lãnh - Đồng Tháp); Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận (TP. Phan Rang - Tháp Chàm - Ninh Thuận); Nhà máy Bia Sài Gòn - Phủ Lý (TP. Phủ Lý - Hà Nam); Nhà máy Bia Sài Gòn - Long Khánh (KCN Long Khánh - Đồng Nai).
Công ty Cổ phần Tập đoàn bao bì Sài Gòn được thành lập năm 2007 khi đầu tư vào khu công nghiệp Bắc Vinh theo chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An. Công ty đầu tư xây dựng 02 nhà máy gồm: Nhà máy sản xuất lon nhôm 02 mảnh và nhà máy thùng giấy bao bì barton với tổng số vốn đầu tư cho dự án gần 1000 tỷ đồng, trên diện tích 80.000m2 tại Khu công nghiệp Bắc Vinh – TP. Vinh – tỉnh Nghệ an. Tháng 10/2018, công ty hoàn thành việc sáp nhập Công ty Cổ phần bao bì Sabeco Đồng Tháp và Công ty Cổ phần in và bao bì Minh Phúc, nâng vốn điều lệ tăng từ 300 tỷ đồng lên hơn 560 tỷ đồng; tổng tài sản và nguồn vốn tăng 219%.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Sabeco đạt doanh thu hơn 10.029 tỷ đồng trong quý này, tăng mạnh so với ba quý đầu năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, công ty lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng trong quý này, giảm 23% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 5.500 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của công ty từ trước đến nay.
Lý giải cho mức lợi nhuận đột phá của năm 2022, Sabeco cho biết, công ty có nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng, tiếp thị giúp thúc đẩy doanh số cho các nhãn hàng. Đồng thời, công ty nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn.
Năm 2022, Sabeco đặt mục tiêu đạt 34.791 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.581 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và với kết quả trên, công ty đã hoàn thành vượt chỉ tiêu doanh thu và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Sabeco là 34.465 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 19.411 tỷ đồng (tăng 14%); hàng tồn kho hơn 2.193 tỷ đồng (tăng 31%); các khoản phải thu ngắn hạn 897 tỷ đồng (tăng 92%); trong đó trích lập 295 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi. Vốn chủ sở hữu hơn 24.590 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm hơn phân nửa, đạt gần 15.565 tỷ đồng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone