Vừa được ra tù 6 ngày, ‘thái tử Samsung’ Lee Jae-yong lại phải hầu tòa

Mộc An - 20/08/2021 15:22 (GMT+7)

(VNF) - Vừa được phóng thích ngày 15/8, Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng khi tham dự phiên tòa xét xử các nghi vấn về gian lận và thao túng giá cổ phiếu tại Tòa án quận trung tâm Seoul vào ngày 19/8.

VNF
‘Thái tử Samsung’ Lee Jae-yong.

Hồi tháng 9/2020, ông Lee đã bị truy tố với các tội danh gồm giao dịch bất hợp pháp, thao túng cổ phiếu và khai man.

Ông Lee được cho là đã thực hiện các hành vi lừa đảo trong việc sáp nhập giữa hai công ty con của Samsung là Cheil Industries Inc. và Samsung C&T vào năm 2015.

Các công tố viên cáo buộc rằng trong quá trình sáp nhập, ông Lee và các giám đốc điều hành đã lan truyền thông tin sai lệch, tiến hành vận động hành lang bất hợp pháp và thao túng giá cổ phiếu.

Đặc biệt, ông Lee bị cáo buộc đã thổi phồng giá trị của công ty Cheil Industries, trong đó ông là cổ đông lớn nhất với 23,2% cổ phần. Đồng thời, ông cũng thao túng giá trị của công ty Samsung C&T trước khi sáp nhập.

Các công tố viên cho rằng hành động trên của ông Lee nhằm chiếm quyền kiểm soát tập đoàn từ người cha của mình là cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee.

Ông Lee cũng bị nghi ngờ là một phần của kế hoạch thổi phồng giá trị của công ty Samsung Bioepis - một liên doanh giữa hai công ty công nghệ sinh học Samsung Biologics và Biogen Inc. có trụ sở tại Mỹ.

Phó chủ tịch Samsung đã phủ nhận tất cả các cáo buộc kể từ khi cuộc điều tra được bắt đầu triển khai vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, các công tố viên Hàn Quốc cho biết đã có đủ bằng chứng về những cáo buộc chống lại ông Lee Jae-yong.

Ônh Lee đã không trả lời các câu hỏi khi xuất hiện bên ngoài tòa án vào sáng 19/8, bao gồm câu hỏi liên quan đến việc bị bị hạn chế làm việc trong vòng 5 năm.

Trước đó, ông Lee Jae-yong nằm trong số 810 tù nhân được Bộ Tư pháp Hàn Quốc phóng thích nhân Ngày Giải phóng (15/8).

Bộ trưởng Tư pháp Park Beom-kye cho biết  tình hình kinh tế của đất nước, các điều kiện kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19 được xem là những yếu tố để bộ cân nhắc để đưa ra quyết định trên.

Mặc dù động thái này của Bộ Tư pháp sẽ làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về khoảng trống trong ban lãnh đạo Samsung, nhưng việc ông Lee có thể tiếp tục làm lãnh đạo tập đoàn hay không vẫn là một vấn đề nan giải.

Theo Điều 14 của Đạo luật về trừng phạt nặng các tội phạm kinh tế đặc biệt của Hàn Quốc, tội phạm nếu bị kết tội tham ô, biển thủ, hối lộ trên 500 triệu won (451.000 USD) sẽ không được làm việc tại các doanh nghiệp liên quan tới hành vi phạm tội trong vòng 5 năm nhằm ngăn chặn tái diễn các hành vi tương tự.

Theo đó, Phó chủ tịch Lee sẽ bị hạn chế làm việc trong 5 năm tại Samsung, có nghĩa ông Lee chỉ có thể quay trở lại điều hành tập đoàn vào nửa cuối năm 2027.

Ở động thái liên quan mới nhất, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Park Beom-kye ngày 19/8 cho biết cơ quan này không thể can thiệp vào các cuộc thảo luận nội bộ của các thành viên hội đồng quản trị tại Samsung Electronics liên quan đến công việc của Phó chủ tịch Lee.

Theo ông Park, Phó chủ tịch Samsung đã không được trả lương và đã từng là một giám đốc điều hành không thường trực và không đăng ký trong nhiều năm. Do vậy, ông Lee không thể được coi là nhân viên "đang được công ty thuê" theo nghĩa chặt chẽ.

Xem thêm >> Ông Trump chỉ trích Pfizer ‘mờ mắt vì tiền’

Theo Yonhap
Cùng chuyên mục
Tin khác