Vừa tung chế tài 'nặng nề nhất' đối với Iran, Mỹ cảnh báo ‘sẽ mạnh tay hơn’

Minh Đăng - 06/11/2018 10:33 (GMT+7)

(VNF) - Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ John Bolton cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục có các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Iran trong thời gian tới.

VNF
Quan hệ Mỹ-Iran đang ở giai đoạn căng thẳng chưa từng có.

Trả lời phỏng vấn kênh tin tức FBN ngày 5/11, ông Bolton nêu rõ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ "không đơn giản chấp nhận mức độ trừng phạt vốn được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama" và sẽ tiếp tục giáng đòn trừng phạt mạnh tay hơn với Iran.

Tuyên bố này của ông Bolton được đưa ra trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa khôi phục tất cả các biện pháp trừng phạt vốn đã được gỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhắm vào cả Iran và các quốc gia làm ăn với họ.

Lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực chủ chốt của Iran như xuất khẩu dầu mỏ, ngân hàng và vận tải biển. Nhà Trắng mô tả đây là lệnh trừng phạt "nặng nề nhất" với Iran.

Cụ thể, theo lệnh trừng phạt, hơn 700 cá nhân, thực thể của Iran nằm trong diện bị trừng phạt, trong đó bao gồm các ngân hàng, các nhà xuất khẩu và các doanh nghiệp vận tải biển quy mô lớn của Iran.

Mỹ sẽ xử phạt những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran và các công ty nước ngoài làm ăn với các thực thể Iran bị liệt vào danh sách đen.

Dù tuyên bố muốn cắt đứt hoàn toàn mọi giao thương dầu mỏ của Iran nhưng Mỹ vẫn trao quyền miễn trừ cho 8 quốc gia để những nước này có thể tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran một cách tạm thời, trong đó có những đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Hồi tháng 5, ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 cùng Iran và một số nước khác. Washington cáo buộc Iran tấn công mạng, thử tên lửa đạn đạo và hỗ trợ các nhóm vũ trang cực đoan tại Trung Đông.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ John Bolton.

Mỹ đã dần áp dụng các lệnh trừng phạt lên Iran kể từ đó, nhưng giới phân tích cho rằng vòng trừng phạt này là mạnh tay nhất.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, hơn 100 công ty quốc tế lớn đã rút khỏi Iran vì lo ngại các lệnh trừng phạt. Xuất khẩu dầu của Iran cũng giảm gần một triệu thùng mỗi ngày, khiến nguồn thu chính của nước này co lại. Hệ thống xử lý thanh toán quốc tế Swift cũng được dự báo cắt đứt giao dịch với các tổ chức Iran bị trừng phạt, cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Một số nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân như Anh, Pháp và Đức đã phản đối các lệnh trừng phạt này. Họ cam kết hỗ trợ các công ty châu Âu làm ăn hợp pháp với Iran và sẽ thiết lập một cơ chế thanh toán thay thế SPV nhằm giúp các công ty này giao dịch mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Dù vậy, giới phân tích cho rằng việc này cũng không giảm thiểu đáng kể tác động của các lệnh trừng phạt lên Iran.

Theo Geranmayeh, người Iran sẽ buộc phải nghĩ ra cách để có thể bán được dầu, dựa vào kinh nghiệm họ từng có trong những năm chịu cấm vận trước đây. Và để lấp đầy khoảng trống do mất thị trường châu Âu, Iran sẽ hướng về phía Đông, nơi Nga và Trung Quốc luôn mở cửa chào đón họ.

Xem thêm >> Lo ‘mất trắng’, Venezuela gấp rút vận chuyển 14 tấn vàng từ Anh về nước

Theo AP
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.