Tài chính quốc tế

Vùng đất 'không có gì ngoài tiền' trở thành cây ATM của thế giới

(VNF) - Trong bối cảnh các định chế tài chính phương Tây bị ảnh hưởng bởi làn sóng lãi suất tăng và dòng tiền đầu tư bị thu hẹp, các quốc gia Trung Đông lại nắm trong tay rất nhiều tiền mặt và luôn sẵn sàng đầu tư.

Vùng đất 'không có gì ngoài tiền' trở thành cây ATM của thế giới

Trung Đông đang trở thành "miền đất hứa" của các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Năm năm trước, Ả Rập Xê Út chứng kiến làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư Mỹ sau vụ sát hại một nhà báo. Thế nhưng, chỉ sau vài năm, mọi chuyện dường như đã đổi khác.

Hội nghị sáng kiến Đầu tư Tương lai của Ả Rập (FII), hay còn mệnh danh là “Davos trên sa mạc”, năm nay dự kiến sẽ có lượng người tham dự tăng đột biến, đến mức các giám đốc điều hành buộc phải trả 15.000 USD/người để có suất tham gia. Đây là thời khắc Trung Đông đang có cơ hội xuất hiện trên sân khấu tài chính thế giới, tờ WSJ nhận định.

Trong bối cảnh các định chế tài chính phương Tây bị ảnh hưởng bởi làn sóng lãi suất tăng và dòng tiền đầu tư bị thu hẹp, các quốc gia Trung Đông lại nắm trong tay rất nhiều tiền mặt và luôn sẵn sàng đầu tư. Chính vì thế, các quỹ tài sản tại Trung Đông đang được xem là “cây ATM” đối với các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ bất động sản của phương Tây.

Trung Đông đang có cơ hội xuất hiện trên sân khấu tài chính thế giới.

Thị trường M&A của khu vực này đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn. Mới đây, một quỹ đầu tư của Abu Dhabi đã mua lại công ty quản lý đầu tư Fortress với giá hơn 2 tỷ USD. Ngoài ra, một quỹ đầu tư của Ả Rập Xê Út đã thâu tóm mảng tài chính hàng không của ngân hàng Standard Chartered với giá hơn 700 triệu USD.

Một số công ty và quỹ đầu tư của Abu Dhabi mua lại một công ty y tế ở Anh với giá 1,2 tỷ USD và kiểm soát một phần gã khổng lồ thực phẩm của Colombia với giá gần 6 tỷ USD.

Ông Peter Jädersten, người sáng lập công ty tư vấn gây quỹ Jade Advisors, cho biết: “Người người nhà nhà đều đang muốn đến Trung Đông, hệt như cơn sốt vàng ở Mỹ ngày xưa”.

Ngày càng có nhiều lãnh đạo ở thung lũng Silicon và New York xuất hiện thường xuyên tại các khách sạn ở Trung Đông. Những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cũng đã để mắt tới dòng vốn ở Trung Đông, trong đó có cựu CEO FTX Sam Bankman Fried.

Hội nghị Riyadh, dự án mà Thái tử Mohammed bin Salman gọi là Sáng kiến Đầu tư Tương lai, sẽ diễn ra vào tháng tới. Hội nghị này được kỳ vọng sẽ trở thành “thỏi nam châm” thu hút những “kẻ săn tiền”.

Người người nhà nhà đều đang muốn đến Trung Đông.

Sự thống trị của dòng vốn từ Trung Đông thể hiện rõ ràng nhất ở các quỹ tư nhân. Tại quỹ đầu tư công (PIF) của Ả Rập Xê Út, lượng vốn cam kết cho “chứng khoán đầu tư” (một danh mục bao gồm các quỹ tư nhân) đã tăng lên 56 tỷ USD vào năm 2022, từ mức 33 tỷ USD trong 1 năm trước đó. Quỹ đầu tư nhà nước Mubadala của Abu Dhabi cũng cam kết lượng vốn gấp đôi, lên 18 tỷ USD trong năm 2022.

Đằng sau sự bùng nổ của dòng vốn tại Trung Đông chính là sự bùng nổ năng lượng. Giá năng lượng tăng cao giúp các quỹ đầu tư của Trung Đông có thêm hàng chục tỷ USD. Bên cạnh đó, Thái tử Saudi và các quan chức hàng đầu UAE đều đang nỗ lực gia tăng vị thế của Trung Đông bằng cách bơm tiền vào các quỹ đầu tư quốc gia và mở rộng các ngành kinh tế nội địa.

Khi các quỹ ở Trung Đông vẫn đang rất mạnh mẽ thì các quỹ đầu tư mạo hiểm trên toàn thế giới lại gặp khó. Số vốn mà các quỹ tư nhân huy động được đã giảm 10% trong năm 2022, xuống còn 1.500 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục giảm tiếp.

Tin mới lên