Vũng Tàu: Bán condotel, hợp đồng lại ghi là nhà ở

Kiên Cường-Khánh Ly - 11/08/2020 07:12 (GMT+7)

An cư được gần 10 năm, hàng trăm hộ dân tại dự án Sơn Tịnh 2 mới biết ngôi nhà của mình chỉ là căn hộ du lịch.

VNF

Nhiều cư dân tại tòa nhà Sơn Tịnh 2, TP Vũng Tàu đang như ngồi trên đống lửa vì căn hộ của họ bất ngờ trở thành căn hộ du lịch (condotel) dù trên hợp đồng mua bán ghi rõ là “nhà ở”. Đáng nói là đại diện pháp luật ban đầu của dự án đã mất khiến vụ việc càng thêm bế tắc.

Nhà ở bỗng hóa condotel

“Chúng tôi là cư dân thuộc tòa nhà Sơn Tịnh 2 tại 2A Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu. Khi chúng tôi mua (năm 2011) là hợp đồng mua bán nhà ở, giờ lại được thông báo là căn hộ dịch vụ du lịch” - đơn phản ánh của cư dân nêu rõ.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, một cư dân, bức xúc: “Lúc mua năm 2014 thì đâu có khái niệm condotel. Hợp đồng tôi mua là hợp đồng mua bán nhà ở, tôi đã đóng hết khoản phí, kể cả tiền phí bảo trì chung cư 2% như hợp đồng mua bán nhà ở bình thường”.

Theo các cư dân, chủ đầu tư dự án là doanh nghiệp tư nhân Sơn Tịnh, trước đây do ông Nguyễn Công Bình làm chủ. Tháng 6/2019, ông Bình mất. Sau đó, ông Vũ Đình Tú mua lại doanh nghiệp này. Từ tháng 4/2020, doanh nghiệp này do ông Hoàng Ngọc Hưng làm đại diện pháp luật.

“Chúng tôi ký hợp đồng với doanh nghiệp Sơn Tịnh, dù thay đổi ai là người đại diện pháp luật thì doanh nghiệp ấy vẫn tồn tại và phải giải quyết việc ra sổ hồng cho người dân” - một cư dân nêu ý kiến.

Trao đổi trong cuộc họp với cư dân ngày 12/7, đại diện pháp lý của doanh nghiệp Sơn Tịnh cho biết: “Khi tiếp nhận doanh nghiệp, chúng tôi thấy các hợp đồng ông Bình ký với cư dân rất khác nhau, lúc là hợp đồng mua bán nhà ở, căn hộ, lúc là hợp đồng góp vốn… Theo giấy phép xây dựng thì đây là căn hộ du lịch. Chúng tôi không rõ thời điểm đó ông Bình có trình giấy phép xây dựng cho khách hàng xem hay không”.

Vị đại diện này thông báo với cư dân theo kết luận thanh tra của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì có hai hướng giải quyết. Một là giữ nguyên đây là dự án căn hộ du lịch, hai là nếu muốn chuyển đổi thành nhà ở thì phải đề xuất lên UBND tỉnh. Tuy nhiên, hướng giải quyết thứ hai rất mất thời gian và thủ tục phức tạp.

Dự án xây trên đất dịch vụ

Kết luận thanh tra hồi tháng 2/2020 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về doanh nghiệp tư nhân Sơn Tịnh nêu rõ: Doanh nghiệp đã chuyển đổi căn hộ du lịch tại dự án Sơn Tịnh 2 sang căn hộ để ở (khoảng 400 căn), đã thu tiền góp vốn, tiền bán một số căn hộ. Trong thời gian thanh tra, doanh nghiệp không cung cấp được hồ sơ, chứng từ… do chủ doanh nghiệp bệnh, qua đời.

Đối với dự án này, công an tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết tố cáo về tội phạm của công dân đối với ông Nguyễn Công Bình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế trong việc doanh nghiệp ký hợp đồng bán căn hộ với khách hàng.

Doanh nghiệp đã thu tiền của khách nhưng không thực hiện cam kết, mang căn hộ đã bán đi thế chấp ngân hàng mà không thông báo cho khách hàng biết, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng.

Công an tỉnh kết luận việc ký hợp đồng bán căn hộ tại dự án cao ốc Sơn Tịnh 2 được xây dựng trên đất có mục đích sử dụng đất là đất dịch vụ (không phải đất ở) sẽ dẫn tới việc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Sau khi ông Bình mất, cơ quan công an tỉnh đã dừng việc điều tra sai phạm của ông này tại dự án.

Khi chúng tôi liên lạc với ông Hoàng Ngọc Hưng, đại diện pháp luật hiện tại của doanh nghiệp Sơn Tịnh, để trao đổi rõ hơn thì ông Hưng yêu cầu gặp trực tiếp. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ để đặt lịch hẹn thì ông Hưng lại không hồi đáp.

Cư dân có quyền khởi kiện

Theo luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, phải xem xét nội dung hợp đồng mua bán đã ký giữa chủ đầu tư và khách hàng. Từ đó, bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi.

Doanh nghiệp Sơn Tịnh không thể lấy lý do liên tục thay đổi chủ sở hữu để tránh trách nhiệm. Nếu chủ đầu tư biết rõ đây là dự án condotel mà lại ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, chức năng ở là có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 BLHS 2015 sửa đổi năm 2017. Do đó, ngoài việc xem xét khả năng khởi kiện đòi quyền lợi, khách hàng có thể cung cấp thêm các hồ sơ cho cơ quan CSĐT để xem xét có dấu hiệu tội phạm hay không.

Ngoài ra, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vì trong thời gian dài đã thiếu kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp bán sản phẩm sai công năng, đẩy rủi ro về phía khách hàng. 

Theo PLO
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.