Thị trường

Vướng quy hoạch 25 năm, qua nhiều đời không chia được đất

Vướng quy hoạch 25 năm nên người dân phải sống ở nhà tạm, lụp xụp. Và cũng do không tách thửa được nên phát sinh việc 15 người cùng 'đứng' thừa kế đất.

Đất của gia đình ông N.S.P. rộng nhưng không được tách thửa, nhà cửa xuống cấp lụp xụp. 
Ảnh: Ái Nhân

Đó là trường hợp khá "đặc biệt" của gia đình ông N.S.P. (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM), khi đất đai không thể tách thửa do bị vướng quy hoạch 25 năm qua.

Quy hoạch đường giao thông kéo dài hàng chục năm qua khiến gia đình tôi bị thiệt thòi quyền lợi về sử dụng đất cũng như đời sống. Trong khi nhìn ra xung quanh thì đời sống nhiều người khác tốt hơn mình do không vướng quy hoạch...

Ông N.S.P. trần tình.

Không tách thửa được, 15 người cùng thừa kế

Nối quốc lộ 1 theo đường đất rộng khoảng 30m chạy vào chừng 500m là đến thửa đất gia đình ông P., nằm ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12. Thửa đất này phần lớn là đất nông nghiệp, có diện tích gần 1.800m2, do một mình cha ông P. đứng tên.

Gia đình ông P. nhiều thế hệ đã ở đây, cha mẹ ông có bốn người con. Khi bốn anh chị em ông trưởng thành, lập gia đình thì cha ông muốn tách thửa, chia đất cho các con để cất nhà ở. Tuy nhiên, do thửa đất vướng quy hoạch đất giao thông từ năm 1998 nên không thể thực hiện được.

Đến năm 2015, cha ông P. mất. Do không có di chúc nên thửa đất để lại được khai nhận là di sản thừa kế của hàng thừa kế thứ nhất bao gồm bốn anh chị em, mẹ ông và bà nội ông P. còn sống.

Đến năm 2019, bà nội ông P. mất. Do đó phát sinh hàng thừa kế thứ hai theo pháp luật được thừa hưởng phần mà bà nội ông P. được thừa kế từ cha ông.

Phần của bà nội ông P. được chia thêm cho bảy người con của bà (là cô, chú, bác ông P.). Trong hàng thừa kế thứ hai này lại phát sinh thừa kế thế vị cho thêm nhiều người nữa là con cái của hàng thừa kế thứ hai.

"Vị chi phần đất là di sản mà cha tôi để lại được khai nhận chia cho 15 người thuộc các hàng thừa kế khác nhau. Tất cả đều được phần thừa hưởng từ thửa đất. Chúng tôi đã làm thủ tục khai di sản thừa kế và chờ cơ quan chức năng giải quyết. Khi đó, tất cả 15 người cùng đứng tên trên thửa đất do không tách thửa được.

Do vướng quy hoạch nên chúng tôi cũng không thể tách thửa, chia phần và cũng khó mua bán. Quy hoạch thì chưa biết đến bao giờ thực hiện mà quyền lợi người dân thì quá thiệt thòi...", ông P. chia sẻ.

Đất lớn nhà vẫn lụp xụp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Tấn Khoa - trưởng Phòng quản lý đô thị quận 12 - cho hay thửa đất của gia đình ông P. có quy hoạch đất giao thông từ năm 1998. Đến năm 2008 UBND quận 12 điều chỉnh quy hoạch, thửa đất thuộc quy hoạch đất giao thông (lộ giới đường dự phóng 20m và 25m).

Còn về tách thửa đất nông nghiệp thì ông Nguyễn Minh Chánh - phó chủ tịch UBND quận 12 - cho biết để tách thửa thì căn cứ vào quyết định số 60 năm 2017 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa.

Thửa đất gia đình ông P. thuộc khu vực quy hoạch đất giao thông, phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố nên không được tách thửa.

Do vướng quy hoạch nên gia đình ông P. không tách thửa, không chuyển mục đích để xây dựng nhà được. Cả gia đình ông P. nhiều thành viên phải chịu cảnh sống trong nhà tạm, xuống cấp, cũ kỹ, lụp xụp mà không thể xây dựng, cơi nới gì thêm. Trong khi bên cạnh đó là khu dân cư được xây dựng khang trang.

Câu chuyện quyền lợi, đời sống người dân bị thiệt thòi trong các khu vực vướng quy hoạch không phải mới. Tại TP.HCM không thiếu những khu vực có quy hoạch hàng chục năm. Điển hình như bán đảo Thanh Đa có quy hoạch từ 1992 (31 năm). Dù Luật Đất đai hiện hành có quy định nhằm hạn chế quy hoạch "treo" hạn chế quyền của người sử dụng đất.

Điển hình như điều 49 Luật Đất đai quy định nếu kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án mà sau ba năm chưa có quyết định thu hồi đất và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền sử dụng (như tách thửa, chuyển mục đích, xây dựng...).

Cần quy định rõ quyền của người có đất vướng quy hoạch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Tấn Khoa cho hay thửa đất gia đình ông N.S.P. đã thuộc quy hoạch định hướng làm đường giao thông. Theo đồ án quy hoạch thì hai tuyến (20m và 25m) có tính chất là đường trục, quan trọng và được các sở ngành liên quan phê duyệt nên khó điều chỉnh, hủy bỏ. Quận đã đề xuất đưa tuyến 25m vào danh mục ghi vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, còn tuyến 20m thì chưa đề xuất.

"Năm vừa rồi HĐND TP có duyệt đầu tư công vài tuyến đường trên địa bàn TP theo danh sách nhưng chưa duyệt tuyến 25m này. Quận cũng mong muốn làm đường theo quy hoạch nhưng phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư công được TP phê duyệt...", ông Khoa chia sẻ.

Góp ý từ sự việc trên, luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng để phát triển kinh tế - xã hội rất cần những quy hoạch sử dụng đất 5 - 10 năm, tầm nhìn 30 - 50 năm, thậm chí dài hơn.

Khi có quy hoạch, đương nhiên người dân sống trong khu vực quy hoạch phải chấp hành. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhiều quy hoạch kéo dài quá, không biết khi nào thực hiện, trong khi đó quyền lợi người dân bị thiệt hại khiến họ bức xúc.

Để giải quyết mâu thuẫn này, thiết nghĩ Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung, điều chỉnh theo hướng quy định rõ hơn về quyền của người sử dụng đất nằm trong quy hoạch. Đồng thời quy định chi tiết nghĩa vụ của Nhà nước trong việc thực hiện quy hoạch và giải quyết quyền lợi của người sử dụng đất (tách thửa, xây dựng, nâng cấp nhà cửa...) tương ứng với các thời hạn quy hoạch chưa được triển khai.

Tin mới lên