WB: Tỷ lệ người nghèo ở các nền kinh tế giàu có đang tăng lên
Chu La -
18/10/2018 14:38 (GMT+7)
(VNF) - Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết gần một nửa dân số thế giới, tương đương với khoảng 3,4 tỷ người, vẫn đang chật vật để đáp ứng các nhu cầu cơ bản hàng ngày.
Thu nhập dưới 3,2 USD/ngày là ngưỡng nghèo cùng cực của các nước thu nhập trung bình thấp, trong khi đó ngưỡng này ở các nước thu nhập trung bình cao là 5,5 USD/ngày, dựa trên báo cáo Nghèo Đói Và Thịnh Vượng Chung với chủ đề “Chung tay giải bài toán đói nghèo” được WB công bố ngày 17/10.
Theo báo cáo này, dù tỷ lệ những người sống trong tình trạng nghèo cùng cực đã tiếp tục giảm song số người nghèo trên thế giới vẫn còn ở mức cao “không thể chấp nhận được”.
WB cho biết gần nửa dân số trên thế giới vẫn phải sống với thu nhập chưa tới 5,5 USD/ngày, thậm chí tỷ lệ người nghèo ở các nền kinh tế giàu có đang tăng lên.
Báo cáo cho hay, từ năm 2013 đến năm 2015, số người nghèo trên thế giớiđã giảm hơn 68 triệu người (tương đương dân số Thái Lan hoặc Anh) dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại trong những năm gần đây.
Tính đến năm 2015 vẫn còn hơn 1,9 tỷ người, chiếm 26,2% dân số thế giới, đang sống dưới mức 3,2 USD/ngày và gần 46% dân số thế giới đang sống dưới mức 5,5 USD/ngày.
Báo cáo cho thấy 70/91 nước được khảo sát có sự cải thiện về thu nhập cho nhóm 40% thu nhập thấp nhất. Trong hơn nửa các quốc gia này, thu nhập của nhóm 40% nghèo nhất lại tăng nhanh hơn mức bình quân, tức là họ đang được nhận một phần lớn hơn của “chiếc bánh” kinh tế.
Hiện trạng theo từng khu vực:
Đông Á - Thái Bình Dương: Đây là khu vực đạt thành tích tốt nhất về thúc đẩy thịnh vượng chung. Từ năm 2010 đến 2015, nhóm 40% thu nhập thấp nhất của khu vực này tăng thu nhập trung bình 4,7%/năm.
Đông Á là khu vực giảm nhiều nhất về số người nghèo cùng cực và tỉ lệ dân số có thu nhập bình quân dưới 3,2 và 5,5 USD/ngày. Mặc dù tỉ lệ nghèo cùng cực còn rất thấp nhưng tỉ lệ dân số thiếu điều kiện vệ sinh của khu vực này lại khá cao.
Châu Âu và Trung Á: Nhiều quốc gia trong khu vực này đang gặp trở ngại trong vấn đề tăng thu nhập cho nhóm 40% thu nhập thấp nhất. Mặt khác, một số quốc gia có nhóm 40% thu nhập thấp nhất bị sụt giảm thu nhập nặng nề do khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ lại đang trên đà hồi phục.
Trong số các khu vực đang phát triển, châu Âu và Trung Á là khu vực có tỷ lệ thấp nhất về số dân có thu nhập dưới ngưỡng 3,2 và 5,5 USD. Tuy nhiên, tỉ lệ đến trường của khu vực này lại thấp hơn Đông Á và Thái Bình Dương hoặc Mỹ Latinh và vùng Caribê.
Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê: Thành tích về thịnh vượng chung của khu vực này trong giai đoạn 2010-2015 kém hơn so các năm trước đó do ảnh hưởng của sự sụt giảm giá cả hàng hóa toàn cầu.
Năm 2015, khu vực này có gần 11% dân số có mức thu nhập dưới 3,2 USD/ngày và trên 26% có thu nhập dưới 5,5 USD/ngày. Nghèo đói trong các khía cạnh phi thu nhập như thiếu điện nước hay điều kiện vệ sinh ở khu vực này lại không liên quan nhiều đến khía cạnh về thu nhập.
Trung Đông và Bắc Phi: Mặc dù khu vực này có sự gia tăng về số người có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày, tuy nhiên tỉ lệ nghèo cùng cực ở đây vẫn vào mức thấp. Song, năm 2015 khu vực này lại có số người có thu nhập dưới 5,50 USD/ngày cao hơn so với năm 1990. Ngoài ra, gần 1/7 dân số chưa có các điều kiện vệ sinh phù hợp.
Nam Á: Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, khu vực này có mức tăng trưởng ấn tượng về thu nhập của nhóm 40% thu nhập thấp nhất. Mặc dù tỷ lệ nghèo cùng cực giảm tới 35% trong giai đoạn 1990-2015 nhưng khu vực này chỉ giảm được 8% dân số có thu nhập dưới 3,2 USD/ngày.
Trong khi đó, trong năm 2015, 80% dân số vẫn có mức thu nhập dưới 5,5 USD/ngày. Bên cạnh đó, số hộ chưa có điện và thiếu điều kiện vệ sinh còn rất lớn so với tỉ lệ thu nhập thấp.
Châu Phi cận Sahara: Tăng trưởng âm được ghi nhận trong thu nhập của nhóm 40% thu nhập thấp nhất của 1/3 các quốc gia trong khu vực này.
Từ năm 1990 đến 2015, dân số châu Phi, khu vực có tỉ lệ nghèo cùng cực lớn nhất, tăng lên gần như gấp đôi. Trong đó tỉ lệ tăng lớn nhất là tỉ lệ dân số có thu nhập dưới 3,2 USD và trên 1,9 USD/ngày. Những người nghèo ở đây phải sống trong nhiều điều kiện thiếu thốn như thiếu lương thực, điều kiện giáo dục và các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone