Chuyên gia kinh tế trưởng WB: FDI vào Việt Nam vẫn đổ vào khâu lắp ráp cuối cùng
Lê Nguyễn -
05/09/2018 15:36 (GMT+7)
(VNF) - Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh vì Việt Nam chỉ đang đóng vai trò là nơi lắp ráp cuối cùng
Trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam, ông Sebastian Eckardt đánh giá Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút FDI và rằng “FDI là một mảnh ghép rất thành công trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong vòng 3 thập kỷ qua”.
Ông cũng cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về khả năng thu hút FDI, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp (hiện đạt 12.000), tỷ lệ đóng góp vào GDP…
“Các doanh nghiệp FDI không chỉ góp phần vào quá trình sản xuất mà còn giới thiệu thêm những sản phẩm mới vào Việt Nam. Vì thế, phải nói rằng Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông nói.
Mặc dù vậy, ông Sebastian Eckardt lưu ý rằng có nhiều nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn được phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng. Vì thế, khi nhìn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh vì Việt Nam chỉ đang đóng vai trò là nơi lắp ráp cuối cùng.
“Tôi cho rằng Việt Nam cần chuyển hướng sang thu hút FDI vào những phân khúc cao hơn, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, và đặc biệt là chú trọng vào sản xuất những thành phẩm có giá trị lớn”, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị.
Để làm được điều đó, vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng Việt Nam có thể tập trung vào đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc những dòng chảy thuận chiều, ví dụ như tiếp thị và phát triển thương hiệu. Điều này sẽ giúp làm tăng thêm giá trị và tạo ra lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế.
Ông Sebastian Eckardt cũng nhấn mạnh Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh thông qua việc đầu tư vào phát triển các kỹ năng và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối, bởi vì các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay được vận hành theo hướng rất chặt chẽ và kịp thời. Do vậy, nền tảng cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được những yêu cầu đó, cả về mặt hữu hình (ví dụ như hệ thống cảng biển, đường sắt và mạng lưới giao thông) và hạ tầng về mặt vô hình (ví dụ như quy trình xử lý các thủ tục hải quan, hành chính).
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là đầu tư vào con người. “Việt Nam có lợi thế sở hữu lực lượng lao động tương đối trẻ, với một nửa dân số lao động dưới 35 tuổi”.
“Theo tôi, Việt Nam muốn cạnh tranh ở cấp độ cao hơn điều quan trọng là phải xây dựng một hệ thống đào tạo nghề tốt, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện để lao động trong nước thực hiện những công việc mang lại giá trị cao hơn. Đây là điều cốt lõi mà Việt Nam cần lưu tâm trong thời gian tới”, ông lưu ý.
Trong bối cảnh thế giới đang dần tiến vào kỷ nguyên 4.0, ông Sebastian Eckardt nhận định một vài ngành công nghiệp mà trước đây Việt Nam từng rất thành công sẽ bị tác động một cách sâu rộng.
“Để tận dụng được cuộc cách mạng này, theo tôi Việt Nam cần đầu tư vào con người và phát triển các kỹ năng cần thiết. Việt Nam cần đào tạo được những nhân công với kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu việc làm, trao cho họ cơ hội hợp tác với máy móc, hơn là cạnh tranh với chúng.
“Vì thế, tôi cho rằng việc đầu tư vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là các môn công nghệ khoa học và toán học, là chìa khoá để thu hút dòng vốn FDI trong kỷ nguyên kỹ thuật số, bởi vì đây sẽ là những kỹ năng được tìm kiếm trong tương lai”, ông Sebastian Eckardt nói.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone