Xe 'xanh': 'Cơ hội vàng' để Việt Nam viết lại kịch bản công nghiệp ô tô
Lê Ngà -
10/09/2023 22:07 (GMT+7)
(VNF) - Phát triển xe điện chính là “cơ hội vàng” để Việt Nam viết lại kịch bản phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Xu hướng tất yếu
Theo nghiên cứu của Cơ quan Thương mại Quốc tế (ITA – trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ), thị trường xe điện (EV) tại Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai nhưng có tiềm năng tăng trưởng đáng kể. Tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam là 5,7% vào năm 2020, vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác ở châu Á. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 9% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. ITA cũng đánh giá Việt Nam có dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đặc biệt quan tâm đến các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và nhận thức về môi trường. Đây là những cơ hội để thị trường xe điện tăng trưởng với tốc độ hai con số trong những năm tới.
Theo báo cáo “Nghiên cứu toàn cầu về người tiêu dùng ô tô năm 2023: Góc nhìn Đông Nam Á” được Deloitte công bố vào tháng 6/2023, tại thị trường Việt Nam đang có sự dịch chuyển trong nhu cầu sử dụng xe ô tô động cơ đốt trong sang các loại xe điện. Hai dòng xe điện được người tiêu dùng Việt Nam cân nhắc nhiều nhất cho chiếc xe tiếp theo là xe hybrid sạc điện (PHEV) và xe thuần điện.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu năm nay, SSI Research nhận định xe điện có tiềm năng tạo nên sự đột phá cho ngành ô tô tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2022 và đầu năm 2023 đã có hàng loạt hãng xe giới thiệu sản phẩm và công bố có kế hoạch tham gia thị trường xe điện Việt Nam, từ xe phổ thông cho đến xe hạng sang. Cụ thể, trong năm 2022, Audi và Mercedes-Benz đã chính thức công bố một số mẫu xe điện dành cho phân khúc xe hạng sang. Ở phân khúc xe phổ thông, Hyundai và Kia đều giới thiệu các mẫu xe điện (IONIQ5 và EV6) tại Việt Nam.
Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (trụ sở tại London) dự báo đến năm 2027, chi phí sản xuất xe điện sẽ ngang bằng với chi phí sản xuất xe động cơ đốt trong (ICE) ở Trung Quốc và châu Âu. Trong số 89 triệu xe được bán ra vào năm 2030, dự báo sẽ có 23,5 triệu xe điện (chiếm gần 27%).
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, phát triển xe điện chính là “cơ hội vàng” để Việt Nam viết lại kịch bản phát triển ngành công nghiệp ô tô. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động hậu cần toàn cầu và lực lượng lao động có tay nghề, cùng lợi thế là giao thông theo bên phải. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng trong khi giá điện khá bình ổn lại càng có lợi cho thị trường xe ô tô điện Việt Nam, đây cũng là động lực cho xe điện dễ dàng được phổ cập và trở thành lựa chọn tất yếu.
TS. Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng Thái Lan đưa ra chính sách phát triển xe điện từ năm 2015 để trở thành trung tâm sản xuất xe điện của Đông Nam Á nhưng quốc gia này chưa thực hiện được. Lý do là nước này đổ rất nhiều vốn vào việc phát triển mạnh và sâu về công nghiệp phụ trợ cho xe chạy động cơ đốt trong. Nhưng đây lại là lợi thế của Việt Nam.
Ông Phúc cho rằng: “Việt Nam cần có chính sách phát triển xe điện. Chính sách cần tạo thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, mời các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đến Việt Nam ‘đẻ trứng’. Thực tế trên thế giới, những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển đều thúc đẩy các ngành công nghiệp khác đi kèm. Đây là cơ hội vàng để chúng ta viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô”.
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định xu hướng xe điện ngày càng định hình rõ trong vài năm gần đây và bằng chứng là VinFast đã ra mắt sản phẩm cả ô tô và xe máy. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, có cơ hội vượt lên dẫn trước ở lĩnh vực này trong khu vực.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển ô tô điện. Đầu tiên là người Việt Nam thích nghi rất nhanh với sự đổi mới của công nghệ số, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Hai là thu nhập của người dân Việt Nam đang dần cao lên, sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô tăng lên. Ba là việc VinFast mở rộng đầu tư vào nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh giúp Việt Nam có thể chủ động được công nghệ pin, khiến giá thành sản phẩm mang tính cạnh tranh và người dùng dễ tiếp cận hơn.
“Đặc biệt, VinFast có thể sản xuất và xuất khẩu ô tô điện được ra thị trường quốc tế là một kỳ tích, gây bất ngờ cho toàn thế giới. Việc hãng xe Việt xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ, một thị trường cực kỳ khó tính và được coi là thủ phủ của ngành công nghiệp ô tô thế giới, cho thấy quyết tâm đổi mới, quyết tâm cạnh tranh sòng phẳng của VinFast với các thương hiệu ô tô khác trên toàn cầu”, ông Thịnh cho hay.
Nhiều chính sách “mở cửa” cho xe điện
Các nước như Thái Lan, Indonesia đang chạy đua để thu hút đầu tư ngành xe điện, ngay cả Singapore, vốn đã ngừng sản xuất ô tô gần 30 năm nay, hiện cũng đã có dự án phát triển ô tô điện.
Để khuyến khích sản xuất, sử dụng và phát triển thị trường xe ô tô điện trong nước, Nhà nước đã đưa ra những chính sách đáng mừng để khuyến khích sản xuất và kích cầu người tiêu dùng. Cụ thể, ngày 16/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg và xác định rõ: “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Tuy chưa có lộ trình/mục tiêu phát triển xe điện, chưa có hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ để phản ánh cụ thể tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của các bộ phận, hệ thống và các xe hoàn chỉnh, song hiện tại, Việt Nam cũng đã có chính sách giảm chi phí sở hữu xe ô tô điện. Cụ thể, ngày 11/1/2022, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện xuống còn 1 - 3% (áp dụng từ ngày 1/3/2022 - 28/2/2027) và 4 - 11% (áp dụng từ ngày 1/3/2027).
Tiếp đó, ngày 15/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ là 0% đối với ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu trong 3 năm kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu này sẽ bằng 50% so với mức thu của các loại xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Có thể thấy, những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam đã bước đầu được xây dựng, triển khai, dựa trên hệ thống những quy định, chính sách sẵn có dành cho xe dùng động cơ đốt trong. Với những ưu đãi về thuế TTĐB và lệ phí trước bạ, người tiêu dùng trong nước đã giảm được một khoản chi phí khá lớn khi mua xe ô tô điện.
Nhìn vào cách làm của VinFast
Tại Việt Nam, VinFast là doanh nghiệp tiên phong sử dụng công nghệ số trong việc chế tạo và sản xuất ô tô. Doanh nghiệp này đang không ngừng nỗ lực để thực hiện mục tiêu sản xuất 15.000 xe điện trong nước, tự chủ phát triển công nghệ pin và công nghệ số trên ô tô để sẵn sàng thương mại hóa tại thị trường trong nước và vươn tầm quốc tế, từng bước trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu. Sự kiện VinFast chính thức xuất khẩu lô xe ô tô điện thông minh đầu tiên, gồm 999 chiếc VF 8 ra thị trường quốc tế (cụ thể là Mỹ) ngày 25/11/2022, được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Lần đầu tiên sản phẩm ô tô điện của Việt Nam do người Việt sản xuất chính thức thức góp mặt vào thị trường ô tô toàn cầu.
Ông Garrett Evert, Phó tổng giám đốc Khối phát triển xe VinFast, cho biết sản xuất ô tô là ngành công nghiệp có mức độ cạnh tranh khốc liệt bởi hàm lượng công nghệ tích hợp rất lớn. Riêng với ô tô điện thì “sức nóng” còn cao hơn nữa. Là “tân binh” trong đấu trường này, việc cạnh tranh với những gã khổng lồ lâu đời trong ngành trên thế giới, đặc biệt là Tesla, thực sự là một trở ngại đáng kể. Tuy nhiên, VinFast đã thu hút được những cá nhân tài năng có chung niềm đam mê và động lực để đóng góp vào quá trình phát triển.
Phó tổng giám đốc Khối phát triển xe VinFast cũng cho biết việc phát triển một mẫu xe điện dành cho những thị trường lâu đời như Mỹ hay Châu Âu đòi hỏi các hãng xe phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về độ an toàn, thử nghiệm tỉ mỉ, kỹ lưỡng và VinFast cũng không phải là ngoại lệ. Để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe này, VinFast đã nỗ lực để đáp ứng và vượt qua các tiêu chuẩn này, đảm bảo những chiếc tới tay người dùng thân thiện với môi trường và tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn cao nhất trên toàn cầu.
Theo ông Garrett Evert, đối với một chiếc xe điện, sự thành công phụ thuộc vào việc tạo ra sự kết nối hài hòa giữa các cấu thành xe, mỗi thành phần cần phải hoạt động hoàn hảo cả về thiết kế tổng thể, đảm bảo hiệu suất lẫn hiệu quả và độ tin cậy tối ưu. Đây là thách thức lớn đặt ra cho VinFast, bởi dù đã có nền tảng và mạng lưới các đối tác linh kiện đáng tin cậy hàng đầu thế giới, nhưng việc làm thế nào để đánh giá và đàm phán với các đối tác để mỗi linh kiện được lựa chọn từ các đối tác đều tương thích, hoạt động tốt với nhau không phải là việc dễ dàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, VinFast là nhà sản xuất ô tô đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chú trọng vào việc phát triển hạ tầng trạm sạc khi có hơn 150.000 cổng sạc cho xe cả máy điện và ô tô điện, trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam. Cộng thêm vào đó là các chính sách cho thuê pin hấp dẫn, cam kết thu mua xe ô tô điện đã qua sử dụng và hỗ trợ tiền cho xe bị lỗi của hãng, được xem là cách thức nhập cuộc phù hợp với một thương hiệu còn non trẻ. Có thể thấy, với sự đầu tư đúng hướng cùng tiềm năng sẵn có về nhân lực, công nghệ, một tương lai đầy triển vọng cho thị trường xe ô tô điện Việt Nam không phải là thứ gì đó hão huyền.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.