Xét xử đại án cao tốc ngàn tỷ vừa đi đã hỏng: 'Vật liệu rất rời rạc thì chịu lực làm sao?'

Trần Cường - Đan Hạ - 26/11/2021 08:25 (GMT+7)

Trước hoài nghi của một số bị cáo về kết quả giám định, trả lời trước tòa, đại diện cơ quan giám định khẳng định quá trình làm việc đảm bảo đúng pháp luật, khách quan và “chúng tôi không bao giờ hại ai”.

VNF
Các bị cáo tại phiên tòa

Ngày 25/11, Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm xét xử 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục thẩm vấn một số bị cáo đầu vụ như Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào (cùng là cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC)…

7/7 gói thầu sử dụng vật liệu chất lượng kém dù đã được cảnh báo

Theo cáo trạng, kết quả giám định của Phân viện Khoa học công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) phía nam (Bộ GTVT) cho thấy quá trình thực hiện thi công, quản lý giám sát... từ chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA), nhà thầu, nhà thầu tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định về xây dựng; tổ chức thi công, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu công trình để đưa vào khai thác sử dụng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế.

Quá trình thi công, nghiệm thu, các đơn vị liên quan đã không đo cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình sau khi thi công.

Đặc biệt, đối với hạng mục công trình có sử dụng vật liệu đá (cấp phối đá dăm, bê tông nhựa các loại), Bộ GTVT đã cảnh báo về chất lượng kém đối với đá của các mỏ Đà Sơn, Phước Tường, Hương Mao, Chu Lai, Hố Chuồn…

Tuy nhiên, cả VEC, BQLDA và các đơn vị liên quan không có phương án loại bỏ, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này. Thiệt hại được xác định khi chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán với số tiền đặc biệt lớn là hơn 811 tỷ đồng cho các nhà thầu, là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.

Cơ quan giám định kết luận các nguyên nhân nêu trên làm giảm khả năng chịu tải trọng, gây hư hỏng khi vận hành, do không tuân thủ các quy định về xây dựng, dẫn đến việc tổ chức thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng của các bị can tại VEC, BQLDA, các đơn vị thi công tại các gói thầu và tại đơn vị nhà thầu tư vấn giám sát...

Trả lời trước tòa, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng nói mọi báo cáo, bao gồm cả báo cáo chất lượng công trình, đều gửi qua mạng của hệ thống theo định kỳ. Khi nhận được cảnh báo về chất lượng vật liệu từ Bộ GTVT, bị cáo đã chuyển xuống BQLDA vì đây là đầu mối chịu trách nhiệm quản lý điều hành toàn bộ dự án, công trình.

“Các bị cáo yên tâm, chúng tôi không hại ai”

Tại phần thẩm vấn, một số bị cáo tỏ ý hoài nghi về kết quả giám định, đồng thời đề nghị có cách tính lại giá trị thiệt hại mà cơ quan giám định đưa ra.

Ngược lại, trước tòa, đại diện cơ quan giám định khẳng định quá trình giám định đảm bảo đúng pháp luật, khách quan. “Chúng tôi dựa theo quy trình quy phạm của Việt Nam để lựa chọn đánh giá, giám định. Chúng tôi chưa biết đoạn đường được giám định nằm ở đâu, hư chỗ nào, chúng tôi thấy chỗ nào hư né ra và giám định những chỗ khác để làm sáng tỏ những nội dung cần thiết. Ví dụ khi giám định cấp phối đá dăm, thì thấy có trộn lẫn các loại khác, tại một số gói thầu, vật liệu bị đứt, vỡ, không có lưới chống nước, không trải dài trên các tuyến... Vật liệu rất rời rạc, vậy thì chịu lực làm sao được. Các bị cáo yên tâm, chúng tôi không bao giờ hại ai. Bây giờ anh nói với tôi nồi canh của anh là ngon, nhưng tôi nhắm mắt gắp miếng, tôi thấy con sâu thì khẳng định nồi canh đó là ngon?”, giám định viên nói.

Sau phần trình bày của cơ quan giám định, một số luật sư chất vấn rằng nguyên nhân mặt đường xuống cấp có thể do xe quá tải? Trước câu hỏi này, chủ tọa đề nghị các luật sư tập trung hỏi nội dung khác, vì đã có kết quả giám định độc lập.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác