Ngân hàng

Xi măng Công Thanh: Thế chấp nhà đất, cổ phần của Chủ tịch HĐQT vay ngân hàng hơn 7.000 tỷ

(VNF) - Để được Vietinbank cấp vốn hàng nghìn tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh đã phải sử dụng nhiều tài sản đảm bảo, gồm nhiều tài sản hữu hình và vô hình của công ty như: các bất động sản, cổ phần góp vốn của ông Nguyễn Công Lý (Chủ tịch HĐQT).

Xi măng Công Thanh: Thế chấp nhà đất, cổ phần của Chủ tịch HĐQT vay ngân hàng hơn 7.000 tỷ

Xi măng Công Thanh thế chấp loạt tài sản cho khoản vay hơn 7.000 tỷ đồng tại Vietinbank

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 của Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh, thời điểm cuối năm 2022, Xi măng Công Thanh đang có các khoản nợ phải trả khoảng 7.300 tỷ đồng với 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank và Ngân hàng SHB, chi nhánh Vạn Phúc.

Theo đó, các khoản vay nợ tại Vietinbank hơn 7.000 tỷ đồng, đây là khoản nợ bao gồm các hợp đồng cho vay đơn thuần và các khoản nợ liên quan trái phiếu phát hành của Xi măng Công Thanh từ năm 2009 và 2010.

Trong số hơn 7.000 tỷ đồng mà ngân hàng Vietinbank cho vay tại Xi măng Công Thanh, có hơn 1.593 tỷ đồng là các khoản vay ngắn hạn, các khoản vay dài hạn tới hạn trả là 1.160 tỷ đồng và 420 tỷ đồng là khoản nợ trái phiếu tới hạn trả.

Còn lại 5.437 tỷ đồng các khoản vay dài hạn, trong đó gồm 3.053 tỷ đồng các khoản vay dài hạn từ các hợp đồng tín dụng và 1.951 tỷ đồng liên quan trái phiếu phát hành của Xi măng Công Thanh.

Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh đã phải sử dụng nhiều tài sản đảm bảo, trong đó gồm nhiều tài sản hữu hình và vô hình của đơn vị, các dự án và nguồn thu hình thành trong tương lai... và cả các tài sản từ bên thứ 3.

Cụ thể, Xi măng Công Thanh sử dụng các tài sản của công ty để đảm bảo cho khoản vay với Vietinbank bao gồm: quyền sử dụng đất công trình xây dựng, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải của dự án dây chuyền 1 (Nhà máy Xi măng Công Thanh); cổ phần vốn góp của các cổ đông sáng lập công ty; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên (mỏ đá vôi, đất sét); máy móc thiết bị, công trình xây dựng trên đất của nhà máy thu hồi nhiệt; hệ thống máy rót hàng tự động dây chuyền 1; hàng tồn kho luân chuyển; quyền đòi nợ luân chuyển; phương tiện vận tải là 5 xe ô tô.

Ngoài ra, Xi măng Công Thanh cũng có các tài sản khác dùng để bảo lãnh cho khoản vay của công ty gồm: 3 bất động sản thuộc sở hữu của ông Nguyễn Công Lý (Chủ tịch HĐQT) và bà Nguyễn Thị Huệ; 1 bất động sản thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Dạ Thảo và 1 bất động sản thuộc sở hữu công ty TNHH Tina.

Cùng với đó là cổ phần vốn góp của ông Nguyễn Công Lý (Chủ tịch HĐQT) tại các công ty nhóm Xi măng Công Thanh, gồm: Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh; Công ty cổ phần bê tông Công Thanh; Công ty cổ phần Vận tải An Tôn; Công ty cổ phần bao bì Công Thanh; Công ty cổ phần phân đạm Công Thanh; Công ty cổ phần Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai.

Chi tiết khoản nợ "khổng lồ" hơn 7.000 tỷ đồng của Xi măng Công Thanh

Kết thúc năm 2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận khoản lỗ 1.181 tỷ đồng, tăng 34% so với khoản lỗ hơn 881 tỷ đồng của năm 2021. Đáng chú ý, năm 2022 đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp Xi măng Công Thanh báo lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 6.080 tỷ đồng.

Trong các năm trước đó, Xi măng Công Thanh cũng ghi nhận những khoản lỗ lớn. Cụ thể, năm 2016 lỗ 478 tỷ đồng, trong khi năm 2015 công ty báo lãi 19,6 tỷ đồng. Năm 2017 công ty báo lỗ 1.038 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 615,4 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 939,2 tỷ đồng; năm 2020 lỗ 771,2 tỷ đồng và năm 2021 lỗ 881 tỷ đồng.

Với khoản nợ khổng lồ hơn 7.300 tỷ đồng của Xi măng Công Thanh, từ năm 2017, ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP. HCM đã có công văn về việc cơ cấu thời hạn trả nợ gốc, lãi khoản vay dài hạn và trái phiếu đầu tư dự án dây chuyền II nhà máy xi măng Công Thanh.

Theo đó, Xi măng Công Thanh phải thanh toán nợ gốc các khoản vay dài hạn (bao gồm cả gốc khoản vay và gốc trái phiếu) đến hết năm 2035 dựa trên phục lục lịch trả nợ sau khi cơ cấu.

Đối với khoản nợ lãi vay dài hạn, ngân hàng Vietinbank yêu cầu Xi măng Công Thanh thanh toán thành 2 phương án. Thứ nhất, đối với phần lãi vay phải trả lũy kế tới năm 2016, công ty sẽ phải trả trong giai đoạn từ năm 2020 tới năm 2026.

Đối với lãi vay phát sinh giai đoạn từ năm 2017 tới năm 2035 sẽ được phân bố trả theo kế hoạch dòng tiền từ năm 2022 tới năm 2035. Phần lãi phát sinh còn lại chưa trả do chênh lệch giữa phát sinh thực tế với số tiền trả nợ theo lịch cơ cấu sẽ được trả vào năm 2035.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, đối với khoản nợ tại Xi măng Công Thanh, ngân hàng Vietinbank đã bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) theo hợp đồng mua bán nợ số 5973/2018/MBN.VAMC-VIETINBANK ngày 18/12/2018.

Tại công văn này, VAMC ủy quyền cho ngân hàng VietinBank thực hiện một số quyền của chủ sợ như đòi nợ, thu hồi nợ gốc và lãi, quản lý tất cả các khoản nợ mà VietinBank đã bán cho VAMC, xử lý tài sản đảm bảo.

Xi măng Công Thanh hiện cũng đang là “con nợ” của Ngân hàng SHB – Chi nhánh Vạn Phúc với số tiền hơn 288 tỷ đồng (vay ngắn hạn). Được biết, các khoản vay ngắn hạn từ SHB bán cho VAMC theo hợp đồng mua bán nợ số 3051/2019/MBN.VAMC-SHB ngày 29/11/2019 theo như thông báo của SHB trong công văn số 46/2020/CV-SHB.VP ngày 30/3/2020.

Theo công văn này, VAMC uỷ quyền cho SHB thực hiện một số quyền của chủ nợ như đồi nợ, thù hồi nợ gốc và lãi, quản lý tất cả các khoản nợ mà SHB đã bán cho VAMC và xử lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, ngày 8/11/2021, SHB đã mua lại khoản nợ ngắn hạn này từ VAMC theo hợp đồng số 444/2021/BN.VAMC-SHB. Mục đích khoản vay này là để bổ sung vốn lưu động.

Xem thêm: Thanh Hoá: Xi măng Công Thanh liên tục thua lỗ nhiều năm liền

Tin mới lên