Xử lý thế nào với hoạt động tín dụng đen?

Việt Cường - 20/10/2018 22:42 (GMT+7)

Thời gian qua nổi lên các vụ việc gây mất trật tự trị an và mất ổn định xã hội như hoạt động tín dụng đen, chuyên cho vay nặng lãi, siết nợ,… Vậy, hành vi này bị xử lý như thế nào?

VNF
Nhóm thanh niên quê Hải Phòng bị Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố để điều tra về hành vi Cho vay lãi nặng và Cưỡng đoạt tài sản.

 Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an TP Buôn Ma Thuột đã bắt một nhóm đối tượng từ TP Hải Phòng vào Đắk Lắk thuê trọ để hoạt động tín dụng đen, chuyên cho vay nặng lãi. Nhóm này gồm 9 đối tượng, trong đó Bùi Văn Thịnh là đối tượng cầm đầu, đã cấu kết với Nguyễn Thị Ngọc Tiền (ở Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) để hoạt động tín dụng đen, chuyên cho vay nặng lãi, siết nợ.

Bước đầu các đối tượng khai nhận: Hàng ngày, nhóm này in hàng trăm tờ quảng cáo rồi chia nhau đi phát cho người trên đường và dán khắp nơi với nội dung “chỉ cần chứng minh thư hoặc sổ hộ khẩu có thể vay được tiền”. Nhóm này đã hút được nhiều người dân ở Đắk Lắk vay tiền và phải trả lãi suất cắt cổ. Đến khi không trả được thì bị khống chế, siết tài sản.

Khám xét nơi ở của nhóm người này, bước đầu, cơ quan Công an đã thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ cho vay, nhiều thiết bị máy móc và các giấy tờ liên quan. Vụ việc đang tiếp tục được mở rộng điều tra làm rõ để xử lý.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) ngày 26-7, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình hình tội phạm tín dụng đen diễn biến rất phức tạp.

Trao đổi xung quanh hoạt động tín dụng đen hiện đang nhức nhối này, Luật sư Phạm Xuân Nghĩa – VPLS Hoàng Huy cho biết: Hoạt động tín dụng đen với các vỏ bọc bên ngoài dưới dạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính,... thực chất là cho vay nặng lãi.

Thế nhưng trên thực tế, lãi suất tín dụng đen thường ở mức cắt cổ, chênh rất nhiều lần so với mức lãi suất mà Bộ luật Dân sự 2015 quy định. Vì cần tiền gấp, đành "nhắm mắt" vay tín dụng đen với lãi suất lên đến 30%/tháng… dẫn đến hệ lụy nhiều người sau khi vay tiền đã không có khả năng trả lãi.

Xử lý hoạt động tín dụng đen là điều rất khó khăn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các cấp. Hiện nay, dưới góc độ pháp lý, hoạt động này được xử lý như sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm dân sự, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thoản thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Đối với hành vi cho vay vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành theo căn cứ tại điểm d, khoản 3, Điều 11 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó “Xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”.

Thứ hai, về trách nhiệm hình sự, để khép tội người cho vay nặng lãi theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) cần nhiều yếu tố: Cho vay lãi suất gấp 05 lần mức 20%/năm trở lên; Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khi có đủ 02 yếu tố này, người cho vay nặng lãi mới bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên, để “lách luật” các đối tượng cho vay nặng lãi thường thỏa thuận với người vay về việc chỉ ghi trên giấy vay nợ lãi suất theo quy định của pháp luật, lãi suất thực tế sẽ cao hơn nhiều.

Đối với hình thức cầm đồ, tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP, Chính phủ quy định cửa hiệu cầm đồ phải duy trì tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự (lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay). Thực tế, vì ưu điểm cho vay nhanh gọn, thủ tục đơn giản, các cửa hiệu cầm đồ hiện nay đều vẫn thu hút lượng khách rất đông mặc dù có mức lãi suất vượt mức quy định của pháp luật.

Tín dụng đen là “mầm mống” phát sinh các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, điển hình như cướp, cưỡng đọat tài sản, cố ý gây thương tích.

Nhằm hạn chế cơn “bão” tín dụng đen trong dân, ngăn chặn các thủ đoạn “lách luật”, lực lượng Công an đã tăng cường các biện pháp kiểm tra hành chính, cương quyết xử lý mạnh về hình sự.

Các cơ quan chức năng cũng cần có kế hoạch cụ thể để tổng rà soát, lên danh sách, quản lý các cơ sở hoạt động cho vay. Khi có sai phạm, cần kiến nghị đến các ngành liên quan để rút giấy phép hoạt động, buộc đóng cửa theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền giáo dục người dân trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng đen, chỉ ra các phương thức, thủ đoạn, chiêu trò của tổ chức tín dụng đen.

Theo CAND
Cùng chuyên mục
Tin khác