Thị trường

Xuất khẩu sang Mỹ tăng tốc, vượt ngưỡng 100 tỷ USD

(VNF) - Mối quan hệ hợp tác vừa được nâng tầm giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc xuất khẩu ở thị trường Mỹ được xem là lớn nhất toàn cầu.

Xuất khẩu sang Mỹ tăng tốc

TS. Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PT Nông thôn cho hay, ước tính năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đạt khoảng 53 tỷ USD, đây là tin vui trong những ngày đầu năm mới 2024. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 27,14 tỷ USD, tăng 18,8%; Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 515 triệu USD, tăng 26,2%.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023. Tong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thứ 2 của nông sản Việt Nam sau Trung Quốc.

Theo đại diện của Bộ Công Thương, trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 88 tỷ USD. Hiện nay, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong đó mặt hàng chủ lực là nông sản , thủy sản, lâm sản, đồ gỗ..

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này có thể vượt mốc 100 tỷ USD, bất chấp những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

 

Nhiều doanh nghiệp TP. HCM và các tỉnh phía Nam cho biết, việc thị trường Mỹ phục hồi sức cầu đang đem lại triển vọng kinh doanh sáng hơn cho các doanh nghiệp đặc biệt là mặt hàng nông sản.

Đại diện của Công ty TNHH Hưng Việt, đơn vị đã thành công khi xuất khẩu sang Mỹ nhiều thương hiệu nông sản cao cấp cho hay, thời gian tới, công ty sẽ nâng công suất để đáp ứng nhu cầu về đơn hàng sang Mỹ do được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tiên phong xuất khẩu trái cây tươi vào Mỹ và là chủ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch bán nông sản vào nước này, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho hay, hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). Trong đó, riêng Vina T&T Group, năm ngoái đóng góp 73 triệu USD, gần 60% thị phần xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Mỹ.

Đánh giá về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định, Việt Nam – Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” vào tháng 10/2023, cánh cửa vào thị trường Hoa Kỳ đã mở rộng, chỉ cần Chính phủ có chính sách cụ thể hỗ trợ và cần doanh nghiệp Việt chủ động thực hiện.

Chủ động cạnh tranh

TS Phùng Đức Tiến chia sẻ, Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình khi đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 13 trên thế giới về xuất nhập khẩu. Các sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam ngày càng thâm nhập thị trường quốc tế và Mỹ cho thấy, năng lực xuất khẩu ngày được nâng cao. Tuy nhiên, để tiếp tục chinh phục vào được thị trường này là thử thách đối với doanh nghiệp Việt.

Các thách thức khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ gồm: Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước khi các sản phẩm từ Việt Nam chiếm thị phần, cạnh tranh mạnh với doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các rào cản phi thuế có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam, giảm năng lực cạnh tranh của hang hóa Việt Nam.

xuất khẩu nông sản
TS. Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PT Nông thôn phát biểu tại “Diễn đàn xúc tiến thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ”

Theo TS Lê Đăng Doanh, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ) để lấy ý kiến các bên liên qua cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp Việt.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng nhìn nhận, Mỹ là thị trường rộng mở đối với hàng nhập khẩu nhưng cũng chính vì đặc điểm này mà Mỹ cũng trở thành thị trường khó khăn và cạnh tranh bậc nhất. Hàng hóa Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với các nước có cùng chủng loại sản phẩm từ Nam Mỹ, Châu Á, Châu Phi như Mehico... mà còn phải cạnh tranh ngay chính với các nhà sản xuất nội địa.

“Thị trường Mỹ ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch bởi vậy chúng tôi đang tăng tính chủ động hơn khi xuất khẩu sang Mỹ”, ông Nguyễn Chung, đại diện kinh doanh của thương hiệu nước mắm “Tôm Đế vương” đang xuất khẩu sang Mỹ chia sẻ.

Tại “Diễn đàn xúc tiến thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ” mới đây, ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg, về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Theo đó, Bộ KH&CN đã đưa ra 8 nhiệm vụ của năm 2024  và có những nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như: đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động...

Nhiều doanh nghiệp đồng tình với quan điểm chủ động đổi mới công nghệ để nâng cao hơn nữa chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, chú trọng sự an toàn, thân thiện với môi trường; đánh giá thường xuyên các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.

Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn phát huy các cuộc đối thoại, tổ chức nhiều diễn đàn để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực thương mại với Hoa Kỳ .

Tin mới lên