Tài chính quốc tế

Xung đột Israel-Hamas kéo giá dầu tăng mạnh, có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong ngắn hạn

(VNF) - Giá dầu tăng vọt hơn 4% khi xung đột Israel-Hamas kéo dài sang ngày thứ ba sau cuộc tấn công bất ngờ vào Israel của phiến quân Hamas - nhóm chiến binh Hồi giáo lớn nhất ở Palestine.

Xung đột Israel-Hamas kéo giá dầu tăng mạnh, có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong ngắn hạn

Giá dầu tăng vọt hơn 4% khi xung đột Israel-Hamas kéo dài sang ngày thứ ba.

Sáng 9/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 4,07% lên 88,02 USD/thùng, trong khi hợp đồng tương lai dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 4,25% lên 86,31 USD/thùng.

Trước đó, vào rạng sáng 7/10 (theo giờ địa phương) trong ngày lễ lớn của người Do Thái, phiến quân Hamas (tên gọi tắt của "Phong trào kháng chiến Hồi giáo") đã tiến hành một cuộc xâm nhập đa hướng vào Israel bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không bằng cách sử dụng dù lượn. Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau khi hàng nghìn quả rocket được phóng từ Gaza vào Israel.

Đây là cuộc tấn công quân sự lớn nhất tại Israel trong nhiều thập kỷ, khiến nhiều người thiệt mạng và kéo theo đợt không kích đáp trả của Israel vào các địa điểm của Hamas ở Gaza.

Theo NBC News, cho tới nay, ít nhất 700 người Israel ghi nhận tử vong. Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine cho biết các cuộc không kích của Israel nhằm vào Hamas đã khiến hơn 300 người thiệt mạng

Mặc dù giá dầu thô tăng vọt nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng đây sẽ là một phản ứng tức thời và không kéo dài.

Ông Vivek Dhar, giám đốc nghiên cứu hàng hóa năng lượng và khai thác mỏ của Ngân hàng Commonwealth (Úc) nhận định cuộc xung đột không trực tiếp khiến bất kỳ nguồn cung cấp dầu mỏ chính nào gặp nguy hiểm.

“Cuộc xung đột này chỉ có tác động lâu dài tới thị trường dầu mỏ nếu nguồn cung hoặc vận tải dầu phải giảm liên tục”, ông Dhar nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dhar, khoảng 0,5-1% tổng nguồn cung dầu toàn cầu gặp nguy cơ nếu Mỹ tăng cường cấm vận Iran. Với việc thị trường dầu đang trong cảnh nguồn cung bị siết chặt trong quý IV, việc giảm xuất khẩu dầu của Iran ngay lập tức có thể đẩy giá dầu Brent giao sau lên hơn 100 USD/thùng trong ngắn hạn.

Rạng sáng ngày 7/10, phiến quân Hamas đã tiến hành một cuộc xâm nhập đa hướng vào Israel.

Xuất khẩu dầu từ Iran đã bị hạn chế kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định hạt nhân vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm cắt giảm doanh thu cho Tehran.

“Cũng có nguy cơ xung đột leo thang trong khu vực. Nếu Iran bị cuốn vào, cũng có thể có vấn đề về nguồn cung, mặc dù chúng tôi chưa ở giai đoạn đó”, Giám đốc Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên của Tập đoàn Eurasia Henning Gloystein nói với CNBC qua email.

Cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà cung cấp lớn trên thị trường dầu lửa, nhưng xung đột này xảy ra tại Trung Đông - “vựa” dầu lớn của thế giới, và xung đột có khả năng leo thang cao hơn.

Israel có 2 nhà máy lọc dầu với tổng công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), nước này gần như không sản xuất dầu thô hay khí ngưng tụ. Lãnh thổ Palestine cũng không sản xuất dầu.

Theo các chuyên gia, xung đột không ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất hay cung cấp dầu, nhưng “nằm ở cửa ngõ của một vùng sản xuất và xuất khẩu dầu lửa quan trọng”.

Nhà quản lý quỹ phòng hộ người Pháp Pierre Andurand  thì cho rằng trong bối cảnh tồn kho dầu toàn cầu đang ở mức thấp, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) thì hạn chế sản lượng dầu, nên lượng dầu tồn kho có thể tiếp tục giảm trong những tháng sắp tới, điều này sẽ đẩy giá dầu leo thang.

Xem thêm >> Nhà đầu tư ngoại bán ròng, tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc

Tin mới lên