Cho vay ưu đãi nhà ở xã hội: Quyết định đã ký mà chưa có tiền
Vĩnh Chi -
26/01/2018 09:49 (GMT+7)
(VNF) – Dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung 1.260 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Chính phủ đã ban hành quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi (5%) để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các đối tượng được thụ hưởng chính sách đến nay vẫn chưa được vay vốn vì ngân hàng không có tiền.
Ngân hàng Nhà nước hôm 29/12/2017 đã ban hành Quyết định số 2735/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2018 là 5%/năm, đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở thuộc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.
Ngày 22/1/2018 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, áp dụng trong năm 2018 là 5%/năm, đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Hai quyết định trên được đánh giá là đã điều chỉnh được đầy đủ các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và các tổ chức tín dụng có liên quan để đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội trong năm 2018.
Tuy nhiên, trở ngại làm cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội gần như chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi tín dụng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ) trong hơn 2 năm qua là Nhà nước vẫn chưa bố trí đủ nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Theo Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), trong 21 chương trình mục tiêu được phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển (quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) không có "Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách nhà ở xã hội". Vì vậy trong năm 2016, Chính phủ không có nguồn chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Ngày 26/4/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại. Theo đó, Ủy ban đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó dành một phần bổ sung (1.260 tỷ đồng) để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Tuy nhiên trên thực tế các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
HoREA cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần bổ sung "Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Điều 7 Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 để có căn cứ pháp luật bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách nhà nước (trước hết là năm 2018, để Chính phủ có nguồn chi ngân sách).
Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỷ đồng, HoREA kiến nghị phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội;
HoREA cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2018-2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 5%/năm.
Đồng thời tiếp tục phân bổ nguồn vốn này cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để triển khai thực hiện. Từ nguồn vốn này, các ngân hàng nêu trên còn có thể huy động thêm các nguồn vốn khác để thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội của nhà nước.
Về lâu dài, HoREA kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.