Bất động sản

HoREA đề nghị tiếp tục giải ngân cho các dự án dở dang thuộc gói 30.000 tỷ

(VNF) – Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội dở dang thuộc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để hoàn thành dự án, bàn giao nhà ở cho khách hàng.

HoREA đề nghị tiếp tục giải ngân cho các dự án dở dang thuộc gói 30.000 tỷ

HoREA nêu loạt kiến nghị về nhà ở xã hội

Loạt kiến nghị về nhà ở xã hội

Theo HoREA, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước đã có các quyết định quan trọng về chính sách tín dụng nhà ở xã hội như: Quyết định 18/2018 ngày 2/4/2018; Quyết định 370/QĐ-TTg ngày 3/4/2018, Quyết định 117/QĐ-TTg ngày 22/1/2018 (của Thủ tướng); Quyết định 2735/QĐ-NHNN ngày 29/12/2017 (của Ngân hàng Nhà nước).

Tuy nhiên, HoREA cho rằng giữa các văn bản này đang có sự khác nhau về quy định mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội và lãi suất nợ quá hạn. Do đó, Hiệp hội đề xuất áp dụng một mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm và áp dụng lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay trong năm 2018 đối với tất cả các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

"Việc áp dụng này sẽ đảm bảo công bằng, bình đẳng, không phân biệt vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội hay vay tại các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank cũng như không phân biệt trường hợp vay trong năm 2018 để mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, hoặc đã mua nhà ở xã hội từ năm 2013 theo Nghị quyết 02/NQ-CP (gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng)", HoREA nhấn mạnh.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, HoREA kiến nghị đơn vị này cho phép các ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội dở dang thuộc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để các chủ đầu tư hoàn thành dự án, bàn giao nhà ở cho khách hàng.

Song song với điều này, Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân cho người đã mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 do dự án bị dở dang kéo dài đến nay.

Về thời hạn vay ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ đã quy định thời hạn vay tối thiểu là 15 năm (trừ trường hợp khách hàng muốn vay với thời hạn ngắn hơn). Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội vừa cho biết sẽ cho vay mua nhà ở xã hội với thời hạn từ 15 năm đến 25 năm

HoREA nhận xét việc Ngân hàng Chính sách xã hội nới rộng thời gian vay có thể dẫn đến cơ chế "xin-cho" vì không rõ trường hợp nào được vay 15 năm, trường hợp nào 20 năm, hoặc 25 năm.

Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định về thời hạn cho vay ưu đãi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại thời điểm hiện nay để Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank thống nhất thực hiện.

Kiến nghị đánh thuế tài sản với người kinh doanh "lướt sóng"

Cũng tại văn bản nêu trên, HoREA đã nhắc lại các đề xuất của mình về dự thảo Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính đang xây dựng.

Cụ thể, HoREA đề xuất nên ban hành "Luật Thuế tài sản" sau năm 2020. Đồng thời với việc ban hành Luật Thuế tài sản này, HoREA cho rằng Chính phủ cần sửa đổi Luật Đất đai để giảm nhẹ khoản thu tiền sử dụng đất, qua đó góp phần đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thị trường bất động sản.

Để Luật Thuế tài sản phát huy tác dụng phòng chống rửa tiền từ các nguồn thu nhập bất minh, phòng chống đầu cơ, gây sốt giá ảo, "bong bóng" trên thị trường bất động sản, HoREA kiến nghị đánh thuế người có nhiều nhà có giá trị lớn; đánh thuế đối tượng đầu cơ, bao chiếm, không đưa nhà, đất vào sử dụng, hoặc làm giá, thổi giá, tạo ra sốt ảo, "bong bóng".

Hiệp hội cũng kiến nghị quy định đánh thuế đối tượng kinh doanh lướt sóng, chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi tạo lập trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu "bong bóng".

Đồng thờ kiến nghị quy định các giao dịch có giá trị lớn trong đó có giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng để phòng chống rửa tiền, tham nhũng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng hiệu quả công cụ tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, hạn chế các trường hợp chuyển tiền vay tiêu dùng sang kinh doanh bất động sản…

Tin mới lên