Tài chính

SBIC khẳng định không có khả năng trả 238 tỷ đồng tiền bảo lãnh

(VNF) – “SBIC không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh trả thay cho các đơn vị thành viên mà SBIC đã bảo lãnh trước đây”, lãnh đạo SBIC khẳng định.

SBIC khẳng định không có khả năng trả 238 tỷ đồng tiền bảo lãnh

SBIC khẳng định không có khả năng trả 238 tỷ đồng tiền bảo lãnh

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính về việc cơ quan thi hành án dân sự quận Ba Đình quyết thi hành án đối với SBIC.

Theo báo cáo, ngày 24/5/2018, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình có quyết định buộc SBIC là tổ chức bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Vinashin phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả thay cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo đó, số tiền SBIC phải trả là 238 tỷ đồng và lãi quá hạn kể từ ngày xét xử sơ thẩm đến khi thanh toán xong hết nợ.

SBIC cho hay tổng công ty này đang thực hiện Nghị quyết 07/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý tập trung các nguồn vốn của SBIC.

“Vì vậy, SBIC không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh trả thay cho các đơn vị thành viên mà SBIC đã bảo lãnh trước đây”, lãnh đạo SBIC khẳng định.

Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến nguồn vốn của Nhà nước, đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, SBIC đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hỗ trợ SBIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị Tổng cục Thi hành án – Bộ Tư pháp hướng dẫn các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương không thực hiện biện pháp cưỡng chế tài sản/tài khoản của SBIC để đảm bảo hoạt động thường xuyên không bị gián đoạn.

“SBIC kính mong các Quý Bộ sớm có giải pháp nghiệp vụ hướng dẫn SBIC để trước mắt ưu tiên đảm bảo an toàn tiền gửi/giao dịch tại các Ngân hàng trong quá trình hoạt động và thực hiện Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo SBIC gửi gắm.

Năm 2018, Công ty mẹ - SBIC đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác 2.320 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động tài chính là 2.291 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty mẹ - SBIC đặt mục tiêu lỗ trước thuế 2.884 tỷ đồng trong năm nay.

6 tháng đầu năm, tổng doanh thu và thu nhập khác của Công ty mẹ - SBIC chỉ đạt vỏn vẹn 242 tỷ đồng, hoàn thành 10,5% kế hoạch năm. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 740 tỷ đồng.

Xét toàn tập đoàn (gồm cả 8 công ty thành viên), 6 tháng đầu năm, SBIC ghi nhận 1.359 tỷ đồng doanh thu và thu nhập khác, hoàn thành 35% kế hoạch năm. Trong đó, lĩnh vực Đóng mới tàu, thuyền, phương tiện nổi đem về doanh thu 884 tỷ đồng; lĩnh vực Sửa chữa tàu, thuyền, phương tiện nổi đem về 149 tỷ đồng; lĩnh vực khác đem về 181 tỷ đồng; còn lại là doanh thu tài chính và thu nhập khác.

Đặc biệt, nửa đầu năm, SBIC nợ tới 81,7 tỷ đồng tiền lương và 316 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.

SBIC tiền thân là Vinashin, được thành lập từ năm 1996. Sau thời gian hoạt động thua lỗ nghiêm trọng, ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin nhằm "sớm ổn định sản xuất kinh doanh của tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển".

Ngày 26/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin.

Ngày 21/10/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin.

Tin mới lên