Ngân hàng

‘Siết’ tăng trưởng tín dụng: Đong đếm tác động lên các ngân hàng

(VNF) - Tựu chung, chỉ TPBank cùng LienVietPostBank và phần nào đó là OCB chịu tác động rõ rệt từ động thái “siết” tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước. Phần lớn các ngân hàng vẫn còn khá nhiều room tín dụng trong nửa cuối năm, số khác dù tăng trưởng khá cao nhưng vẫn còn đủ room để xoay xở.

‘Siết’ tăng trưởng tín dụng: Đong đếm tác động lên các ngân hàng

‘Siết’ tăng trưởng tín dụng: Chỉ số ít ngân hàng chịu tác động rõ rệt

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm bao gồm TPBank (15,0%) và HDBank (14,5%), tức đã chạm trần được phê duyệt hồi đầu năm (đều là 15%), theo sau bởi LienVietPostBank (13,3%, gần chạm trần 14%) và OCB (12,2%).

Đây cũng là 4 ngân hàng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đầu năm rất cao (ở mức 20%, thậm chí 40% như trường hợp của HDBank, cao hơn nhiều so với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao).

“Điều này có nghĩa là ngay từ đầu, các ngân hàng này đã kỳ vọng có thể xin thêm hạn mức bổ sung vào quý 3, do đó, việc họ tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm cũng không quá bất ngờ”, VDSC nhận định.

Nhóm các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm trên 10% tiếp theo gồm ACB (11,8%), Vietcombank (11,3%), MB (10,7%). Ba ngân hàng này đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, cũng chính bằng mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

“Do đó, khi có chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, bản thân các ngân hàng này cũng nhanh chóng có kế hoạch cân đối lại tăng trưởng tín dụng trong hai quý cuối năm. Qua trao đổi với đại diện các ngân hàng này, cả ba đều định hướng sẽ tập trung nhiều vào chất lượng hơn là số lượng bằng cách cơ cấu lại danh mục cho vay, ưu tiên các phân khúc khách hàng có hiệu quả cao hơn và có hiệu suất sinh lời tốt hơn”, VDSC cho hay.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 04 với nội dung quan trọng là kiên quyết không nâng trần tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Điều này đã khiến LienVietPostBank chính thức phải điều chỉnh giảm 33% kế hoạch kinh doanh cả năm 2018, từ 1.800 tỷ còn 1.200 tỷ, với lý do không được Ngân hàng Nhà nước nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, HDBank với việc sáp nhập PGBank, Vietcombank với việc hỗ trợ tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (CB) có thể nằm trong diện ngoại trừ.

Ngay cả nếu không nằm trong các trường hợp đặc biệt, room tín dụng còn lại của Vietcombank không phải là quá hẹp. Còn đối với HDBank, nếu tính gộp cả tăng trưởng tín dụng PGBank (-2,8%), tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sau sáp nhập ở mức 11,2%, nghĩa là room còn lại còn nhiều hơn của Vietcombank.

Nhóm tiếp theo bao gồm các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng vừa phải, là VIB (8,9%), VPBank (7,8%), VietinBank (7,6%) và BIDV (6,9%).

“Các ngân hàng này vẫn còn nhiều room còn lại, do đó, có thể chủ động cân đối tăng trưởng tín dụng và cũng không phải lo ngại thiếu room vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tín dụng tăng cao. Theo đại diện của BIDV, ngân hàng này đã chủ động tăng trưởng thấp hơn vào nửa đầu năm để dành nhiều room hơn cho hai quý cuối. Chúng tôi cho rằng nhóm này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước”, VDSC đánh giá.

Cuối cùng là trường hợp của Techcombank với tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ ở mức 2,3% trong nửa đầu năm, trong đó cho vay khách hàng tăng 3,6%. Đây là mức thấp hơn đáng kể so với mức tăng bình quân chung của toàn ngành và cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu 18% đặt ra hồi đầu năm. Định hướng tăng trưởng của Techcombank cũng là giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng.

Do đó, theo VDSC, việc không nới room gần như sẽ không có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm của Techcombank.

Như vậy tựu chung, chỉ 2 ngân hàng đã tăng trưởng sát trần tín dụng là TPBank, LienVietPostBank và phần nào đó là OCB.

Mặc dù vậy, VDSC cho rằng việc phải tiết chế tăng trưởng tín dụng có thể gây ra ảnh hưởng khi có nhiều ngân hàng chuyển sang tập trung vào các phân khúc khách hàng bán lẻ có biên lợi nhuận cao, sẽ khiến cạnh tranh trong các phân khúc này tăng lên, theo đó mặt bằng NIM của ngành nhìn chung sẽ còn ít dư địa cải thiện.

Tin mới lên