Ngân hàng

Thống đốc: 'Ngân sách khó khăn, cấp vốn cho ngân hàng 0 đồng chưa khả thi'

(VNF) - Thống đốc Lê Minh Hưng tái khẳng định chưa dùng đến tiền ngân sách để cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng 0 đồng.

Thống đốc: 'Ngân sách khó khăn, cấp vốn cho ngân hàng 0 đồng chưa khả thi'

Dù vốn điều lệ dưới mức 3.000 tỷ đồng, nhiều điều kiện dưới quy định an toàn, các ngân hàng 0 đồng vẫn được hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đến nay cả 3 ngân hàng 0 đồng đều chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ

Cụ thể, ông Chiến hỏi: "Ngân hàng Nhà nước lấy tiền đâu, từ ngân sách hay nguồn thu tín dụng, để cấp bổ sung nhằm đảm bảo vốn chủ sở hữu của Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Đại dương (Oceanbank) không thấp hơn 3.000 tỷ đồng (theo quy định hiện tại)".

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, phương án Nhà nước cấp vốn để tăng vốn điều lệ được xem là tạo cơ hội lớn nhất và nhanh nhất giúp 3 ngân hàng này phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, phương án này cần sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính khá lớn từ Nhà nước trong khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới hoặc sáp nhập/hợp nhất thông qua việc yêu cầu 3 ngân hàng này tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại (mua lại hoặc sáp nhập, hợp nhất). Hướng sẽ là ưu tiên các nhà đầu tư tham gia đàm phán trước.

Các nhà đầu tư bỏ vốn thực để đầu tư, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn theo quy định của pháp luật.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, về cơ bản, khi bị kiểm soát đặc biệt hoặc bị mua bắt buộc, các tổ chức tín dụng đều không đáp ứng được quy định về an toàn hoạt động, không đủ điều kiện để triển khai một số hoạt động như một đơn vị bình thường.

Tuy nhiên, các ngân hàng này vẫn được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh trong những giới hạn cụ thể, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ban kiểm soát đặc biệt. Vì vậy, việc cho phép 3 ngân hàng tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh trong những giới hạn cụ thể, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ban kiểm soát đặc biệt là phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

"Phương án xử lý dứt điểm 3 ngân hàng này, theo lãnh đạo ngành, cũng đang được triển khai mạnh mẽ và với sự thông qua mới đây của Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng", văn bản trả lời của Thống đốc cho biết.

Trước đó, trong các ngày 16-17/11, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết liên quan đến xử lý các ngân hàng yếu kém, vừa qua Chính phủ đã rất quyết liệt hoàn thiện các phương án.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngân sách còn rất khó khăn, chúng ta phải huy động các nguồn lực của xã hội nên "chúng ta phải thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài, có năng lực quản trị điều hành để tham gia vào quá trình quản trị ngân hàng".

Theo ông Hưng, muốn mời các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có năng lực như vậy thì phải có khuôn khổ pháp lý đồng bộ với những giải pháp cụ thể để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu; việc sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng theo ông Hưng là cơ sở pháp lý quan trọng.

Luật các tổ chức tín dụng cuối cũng đã được Quốc hội thông qua với nhiều thay đổi đáng chú ý, trong đó có bổ sung riêng một mục về phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Tin mới lên