Tài chính

Trái phiếu Chính phủ sẽ là một phần trong dự trữ bắt buộc của ngân hàng?

(VNF) – Thủ tướng vừa giao NHNN chủ trì nghiên cứu tính khả thi để cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể sử dụng trái phiếu Chính phủ là một phần trong dự trữ bắt buộc khi sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các TCTD.

Trái phiếu Chính phủ sẽ là một phần trong dự trữ bắt buộc của ngân hàng?

Thủ tướng gợi ý về việc cho phép các TCTD được sử dụng trái phiếu Chính phủ là một phần trong dự trữ bắt buộc

Thủ tướng chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo nội dung quyết định, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 38% GDP vào năm 2020 và khoảng 45% GDP vào năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.

Phấn đấu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2017 - 2020 đạt 6 - 7 năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7 - 8 năm.

Đồng thời, tăng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương bình quân phiên lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2020 và 2% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2030; tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và mức 60% vào năm 2030.

Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu quy định rõ về công cụ phòng ngừa, xử lý rủi ro nợ công (bao gồm nợ Chính phủ), nguồn xử lý rủi ro và thẩm quyền quyết định khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công để đảm bảo sự chủ động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính khi thực hiện các nhiệm vụ hoán đổi, mua lại trái phiếu chính phủ để vừa quản lý rủi ro nợ Chính phủ, vừa phát triển thị trường trái phiếu.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ theo hướng đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân tối thiểu hàng năm để vừa huy động vốn cho ngân sách nhà nước, vừa quản lý rủi ro danh mục nợ Chính phủ đồng thời phát triển thị trường trái phiếu.

Đáng chú ý, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu tính khả thi để cho phép các tổ chức tín dụng có thể sử dụng trái phiếu Chính phủ là một phần trong dự trữ bắt buộc khi sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).

Liên quan đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất về việc cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có kết quả xếp hạng tín nhiệm cao theo tỷ lệ nhất định, ngoài tỷ lệ gửi tiền, mua chứng chỉ, trái phiếu của các TCTD khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được bán trái phiếu Chính phủ khi cần thiết.

Thủ tướng giao NHNN nghiên cứu đề xuất việc cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được bán trái phiếu Chính phủ khi cần thiết.

Ngoài ra, Thủ tướng còn giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, quy định tách biệt về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng theo hướng gắn với công bố công khai thông tin đầy đủ; toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp phải được đăng ký, lư ký tập trung; đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chuyên nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư khi sửa đổi Luật Chứng khoán.

Tin mới lên