Tài chính

Vietjet Air qua phân tích SWOT (kỳ 3): Cơ hội

(VNF) - Trung tâm Hàng không Châu Á-Thái Bình Dương (CAPA) vừa đưa ra phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (phân tích SWOT) của hãng hàng không giá rẻ đang "tăng trưởng thần tốc" tại Việt Nam: Vietjet Air.

Vietjet Air qua phân tích SWOT (kỳ 3): Cơ hội

Bán chuyến bay qua các hãng hàng không khác sẽ cho Vietjet cơ hội mở rộng mạng lưới vượt ra khỏi Đông Á

Trong các bài viết trước, VietnamFinance đã giới thiệu những phân tích của CAPA về điểm mạnh, điểm yếu của Vietjet. Ở bài viết này, VietnamFinance tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những cơ hội của Vietjet theo nhìn nhận của CAPA.

Du lịch và sự phát triển quốc tế

Theo CAPA, Việt Nam đã và đang dần trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Số lượng khách du lịch đã vượt 10 triệu vào năm 2016, tăng 26% so với năm 2015.

Số lượng khách du lịch đặt chân đến Việt Nam tiếp tục tăng thêm 30% nữa trong 9 tháng đầu năm 2017, lên đến 9,5 triệu lượt. Con số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 và có khả năng sẽ tiếp tục gấp đôi trong vài năm tới.

Số lượng khách du lịch và sự tăng trưởng qua các năm (%): 2009 đến tháng 9/2017

CAPA cho rằng, Vietjet sẽ hưởng lợi khi càng có nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam. Hoạt động nội địa của hãng sẽ được lợi bởi những điểm đến của khách du lịch Việt Nam được trải đều ra trên cả nước. Hoạt động quốc tế của Vietjet cũng sẽ được hưởng lợi khi Vietjet có khả năng tiếp cận 8 trên 10 thị trường nguồn (nước xuất phát của khách du lịch nước ngoài) lớn nhất của Việt Nam với những máy bay thân hẹp của mình.

Vietjet đã và đang điều hành các chuyến bay đến Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Campuchia – tất cả đều ở trong nhóm 10 thị trường nguồn của ngành công nghiệp du lịch đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Vietjet hiện tại đã có các điểm đến đa dạng ở cả Hàn Quốc và Đài Loan.

Trung Quốc, thị trường nguồn có quy mô và tốc độ phát triển bậc nhất, hiện tại đang được Vietjet phục vụ rất nhiều đường bay theo hình thức thuê bao, và trong tương lai sẽ phục vụ cả các chuyến bay theo lịch trình. Năm 2016, lượt du khách Trung Quốc vào Việt Nam tăng trưởng tới 51%, lên đến 2,7 triệu người. Số du khách Trung Quốc tăng thêm 48% trong 3 quý đầu năm 2017, đạt 2,9 triệu người.

Số du khách Trung Quốc đến Việt Nam và tăng trưởng hàng năm (%): từ 2009 đến tháng 9/2017

Hãng hàng không này cũng dự tính sẽ mở đường bay đến Nga và Nhật Bản, thị trường nguồn lớn thứ 3 và 6, trong tương lai gần. Nhật Bản đã dần trở thành thị trường chiến lược chủ yếu, sau khi Vietjet hợp tác với hãng hàng không Japan Airlines vào tháng 7 năm 2017.

Úc và Mĩ, 2 thị trường còn lại trong top 10 thị trường nguồn của Việt Nam, yêu cầu có máy bay thân rộng (cũng như hầu hết các điểm đến tại Nga). 3 năm gần đây, Vietjet đã nghiên cứu cho máy bay đường dài đi vào hoạt động, tuy nhiên ưu tiên của hãng vẫn là tìm kiếm các cơ hội ở các thị trường bay quốc tế đang phát triển nhanh quanh khu vực.

Nhóm 10 thị trường nguồn lớn nhất Việt Nam (% tổng số du khách): 2016

Mạng lưới giao thông

Vietjet cho đến hiện tại đều dựa hoàn toàn vào các chuyến bay thẳng, điển hình của một hãng hàng không giá rẻ mới trong giai đoạn đầu phát triển. Tuy nhiên, Vietjet đang quyết tâm theo đuổi thương quyền vận tải hàng không thứ 6 (quyền lấy hành khách, hàng hoá, thư tín từ một quốc gia thứ hai đến một quốc gia thứ ba qua lãnh thổ thuộc nước của nhà khai thác).

"Điều này có thể mở ra một giai đoạn phát triển mới khi thị trường nội địa đang dần trở nên bão hòa. Việt Nam có vị trí địa lí lý tưởng cho việc đi lại giữa Đông Nam và Đông Bắc Á", CAPA nhận định.

Theo CAPA, tạo thêm các liên kết giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ là một thách thức, khi mà mặt bằng hiện tại của sân bay và cơ sở vật chất còn hạn chế. Tuy nhiên chính phủ đang tính đến phương án xây dựng một sân bay mới sẽ đưa TP.HCM trở thành điểm trung chuyển.

Trong khi đó, Vietjet cũng mở thêm các đường bay tại Hà Nội và vài thành phố cấp tỉnh khác. Một vài cung đường bay theo kế hoạch chỉ có thể thành hiện thực nếu Vietjet thu hút được thêm các điểm liên kết giao thông.

"Vietjet cần đầu tư cấp thiết vào một sản phẩm và công nghệ chuyển giao – bao gồm cả một hệ thống đặt chỗ - để tăng khả năng hỗ trợ giao thông liên chuyến của hãng", CAPA đánh giá.

Các chuyến bay liên danh

Vietjet cũng có chiến lược theo đuổi hợp tác trong các chuyến bay liên danh.

Việt Nam là điểm đến của khá nhiều hãng hàng không ngoại quốc, một vài trong số đó có thể mang lại lợi ích cho thị trường nội địa. Các hãng hàng không nước ngoài đang tìm kiếm thêm các liên kết ở thị trường Việt Nam có khá ít lựa chọn vì thị trường nội địa Việt Nam là thị trường lưỡng độc quyền – bao gồm Vietnam Airlines và Vietjet.

Vietnam Airlines là một thành viên của SkyTeam, để lại Vietjet cùng với các thành viên của oneworld và Star, và một số hãng hàng không ít tên tuổi khác. Vietjet còn có thể vượt lên để trở thành một thành viên của chương trình đối tác mới của Star.

"Vietjet quan tâm đến các chuyến bay liên danh 2 chiều – điều khá là lạ đối với một hãng hàng không giá rẻ. Bán chuyến bay qua các hãng hàng không khác sẽ cho Vietjet cơ hội mở rộng mạng lưới vượt ra khỏi Đông Á. Ít nhất trong tương lai gần, Vietjet vẫn giữ kế hoạch sử dụng đội máy bay thân hẹp và hi vọng có cơ hội bán các chuyến bay đường dài của những hãng hàng không khác", CAPA nhìn nhận.

CAPA cho rằng, có lẽ điều quan trọng nhất là các chuyến bay liên danh sẽ đa dạng hóa cơ sở lợi nhuận của Vietjet và tối đa hóa sản lượng. Với sản lượng thấp và cạnh tranh căng thẳng của thị trường nội địa, Vietjet sẽ hưởng lợi đáng kể từ việc vận chuyển khách nước ngoài đến Việt Nam – hoặc là đến các nước Đông Á khác – trên chuyến bay của các hãng hàng không khác.

Một lần nữa, CAPA khuyến nghị, Vietjet cần đầu tư cấp thiết vào hệ thống đặt vé và công nghệ để có thể hỗ trợ tốt nhất cho chuyến bay liên danh. Đây là điều tối quan trọng cho Vietjet trong việc hưởng lợi từ việc hợp tác với Japan Airlines và kí thêm hợp đồng với các công ty tiềm năng khác.

Tin mới lên