Tài chính

Vietjet Air qua phân tích SWOT (kỳ 1): Điểm mạnh

(VNF) - Trung tâm Hàng không Châu Á-Thái Bình Dương (CAPA) vừa đưa ra phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (phân tích SWOT) của hãng hàng không giá rẻ đang "tăng trưởng thần tốc" tại Việt Nam: Vietjet Air.

Vietjet Air qua phân tích SWOT (kỳ 1): Điểm mạnh

Vietjet được CAPA nhìn nhận là hãng hàng không "tăng trưởng thần tốc" tại Việt Nam

Theo CAPA, Vietjet đã nhanh chóng xây dựng được vị trí vững chắc tại một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất, và nổi lên như một hãng giá rẻ hàng đầu Đông Nam Á. Vietjet bắt đầu hoạt động ở Việt Nam vào cuối năm 2011 và đã trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất nước này.

Năm 2016, Vietjet nắm giữ 42% thị phần trong nước và 27% thị phần của toàn thị trường. Kể từ năm 2013, hãng hàng không này liên tục đạt tăng trưởng lợi nhuận.

Một phần lớn trong lợi nhuận của Vietjet đến từ hoạt động bán và thuê lại (Sale leasebacks). Công ty này chỉ phải chịu chi phí bảo trì thấp do chủ yếu duy trì đội tàu bay trẻ. Tuy vậy, Vietjet có thể sẽ phải đối mặt với chi phí thuê và bảo trì máy bay cao hơn trong tương lai và cũng sẽ phải vượt qua những sự cạnh tranh gay gắt hơn nữa khi quyết định gia nhập vào thị trường quốc tế.

Trong phân tích của mình, CAPA đưa ra 5 điểm mạnh của Vietjet.

Việt Nam – một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới

Theo CAPA, thời điểm Vietjet tham gia thị trường là vô cùng hoàn hảo. "Công ty này bắt đầu hoạt động ngay khi Việt Nam đang trên đà tăng trưởng kinh tế. GDP của nước này đã tăng ít nhất 5% mỗi năm kể từ khi Vietjet ra mắt, và đã đạt hơn 6% trong năm 2015 và 2016", báo cáo của CAPA đánh giá.

Việc mức thu nhập được cải thiện và sự gia tăng nhanh chóng của tăng lớp trung lưu ở Việt Nam đã khiến việc du lịch hàng không, với nhiều người, trở nên trong tầm với. Nhu cầu này càng tăng cao khi giá máy bay đã thấp nay càng thấp hơn, chỉ ngang với giá vé xe khách hay tàu hỏa trên hầu hết các tuyến nội địa.

Việt Nam, một mảnh đất dài và hẹp với hệ thống cao tốc và đường sắt còn nhiều yếu kém đã khiến cho việc di chuyển giữa các thành phố trở nên khó khăn hơn. Người dân, vì vậy, sẵn sàng chuyển từ xe khách và tàu hỏa sang lựa chọn các chuyến bay nội địa giá rẻ.

Kể từ khi Vietjet ra mắt, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở châu Á và cả trên thế giới. Thị trường nội địa nước này đã tăng từ 12 triệu hành khách vào năm 2012 lên 18 triệu hành khách vào năm 2016. Mức độ tăng trưởng trung bình đạt đến một con số đáng kinh ngạc, vượt quá 30% mỗi năm.

Quy mô thị trường hàng không Việt Nam (bao gồm cả lưu thông quốc tế), cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, từ 25 triệu hành khách năm 2012 lên 52 triệu hành khách năm 2016. Cục hàng không dân dụng Việt Nam cho biết vận tải hành khách đã tăng thêm 20% nửa đầu năm 2017, lên 30,3 triệu.

Quy mô thị trường hàng không Vietnam tính trên số lượng khách trung bình mỗi năm (triệu người): 2011 - 2016

CAPA đánh giá, Vietjet góp phần không nhỏ trong sự tăng trưởng này, đặc biệt là ở thị trường nội địa. Tuy nhiên các đối thủ cạnh tranh trong nước và quốc tế cũng đã dần mở rộng nhanh chóng và hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng vận tải hàng không.

Vietjet không phải thu hút các hành khách quen thuộc của các hãng hàng không khác. Hãng này, tận dụng việc thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ, chủ yếu tập trung vào phân khúc khách hàng mới, ít di chuyển trên các chuyến bay bằng cách cung cấp vé máy bay giá rẻ. Kể từ năm 2012, Vietjet đã chiếm khoảng 70% trong sự tăng trưởng của vận tải hàng không dân dụng tại thị trường nội địa.

Vietjet đã nhanh chóng chiếm được thị phần đáng kể

Trong một khoảng thời gian ngắn, Vietjet từ một công ty khởi nghiệp đã trở thành người dẫn đầu thị trường. Năm 2016, số hành khách di chuyển trên các chuyến bay của Vietjet gần như tương đương với Vietnam Airlines. Cả hai hãng hàng không này đều chiếm khoảng 42% thị phần trong nước.

"Đối với một thị trường nội địa có quy mô vừa (trên 20 triệu hành khách), chiếm phần lớn thị phần chỉ trong vòng 5 năm là một thành tựu đáng chú ý. Trong một thị trường có quy mô tương tự là Philippine, phải mất đến hơn một thập kỉ LCC Cebu Pacific mới có thể soán ngôi Philippine Airlines. Ngay cả AirAsia cũng cần đến 6 năm để chiếm lĩnh thị trường nội địa Malaysia, mà thời điểm đó thị trường này nhỏ hơn thị trường Việt Nam hiện tại rất nhiều", CAPA nhìn nhận.

Mặc dù Vietjet không phải là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, về cơ bản hãng này vẫn có lợi thế của một người tiên phong – điều đã được chứng minh là yếu tố quan trọng nhất để có thể thành công trên hầu hết các thị trường Châu Á.

Vào năm 2008, Jetstar Pacific đã trở thành hãng hành không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam khi cựu hãng hàng không Pacific Airlines đổi thương hiệu và áp dụng mô hình hàng không giá rẻ. Nhưng hãng này vẫn dậm chân tại chỗ trong nhiều năm, và chỉ bắt đầu chiến lược mở rộng kể từ năm 2013, mà tại thời điểm đó thì VietJet đã trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Việt Nam.

Năm 2016, Jetstar Pacific chỉ chiếm hơn 14% thị trường nội địa. Trong khi đó, có đến gần gấp ba số lượng hành khách so với hãng này đã lựa chọn VietJet, chiếm đến gần 75% thị phần của thị trường hàng không giá rẻ. Jetstar Pacific và hãng hàng không duy nhất của Việt Nam là VASCO – đều là thành viên của Tập đoàn Vietnam Airlines, có thể được coi là những đối thủ khá yếu. Vietnam Airlines tiếp tục phát triển thị trường nội địa, nhưng ban đầu đã có những bước đi vô cùng chậm chạp trong việc đối phó với sự tăng trưởng thần tốc của VietJet.

Tổng thị phần hàng không nội địa Vietnam 2011 - 2016

Năm 2017, Vietjet nắm giữ chưa đến 10% thị phần thị trường quốc tế của Việt Nam và 27% tổng thị trường Việt Nam. Vietnam Airlines vẫn chiếm thị phần lớn hơn bởi hãng này có lợi thế hơn Vietjet ở các chuyến bay đi nước ngoài. Tuy nhiên, Vietjet đang bắt đầu tập trung nhiều hơn vào việc mở rộng thị phần quốc tế, và trong tương lai có thể soán ngôi Vietnam Airlines ngay cả trong phân khúc này.

Tổng thị phần hàng không Việt Nam: 2013 - 2016

Trong năm 2016, VietJet đã có hơn 14 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 12 triệu khách nội địa. Con số này đã tăng 22% trong nửa đầu năm 2017, lên đến 8,3 triệu. VietJet dự kiến sẽ vận chuyển 17 triệu hành khách trong cả năm 2017, 25 triệu hành khách vào năm 2018 và cán mốc 30 triệu vào năm 2019.

Tổng lượng hành khách trung bình mỗi năm của VietJet Air 2013 - 2019 (ước tính 2017 - 2019)

Chi phí thấp

Theo CAPA, Vietjet là một trong những hãng hàng không có mức chi phí thấp nhất ở Châu Á và cả trên thế giới. Trong nửa đầu năm 2017, chỉ số chi phí vận hành (CASK) tối đa chỉ đạt 4 US Cents.

Chỉ số chi phí vận hành CASK và chỉ số chi phí vận hành CASK không bao gồm nhiên liệu (USD cents): 2013 – nửa đầu năm 2017

Số liệu của CAPA cho thấy, trong số các hãng hàng không giá rẻ, chỉ có AirAsia, Wizz Air, Ryanair và Cebu Pacific có chỉ số CASK bằng hoặc dưới 4 US Cents.

Vietjet kì vọng sẽ tiếp tục giảm chỉ số CASK khi hãng này mở rộng đội tàu bay. Một đội tàu lớn hơn sẽ tạo ra tính kinh tế theo quy mô, đặc biệt, Vietjet đã và đang tiếp tục tăng độ phủ sóng của các tàu bay thân hẹp.

Vietjet chủ yếu sử dụng A321ceo trong vòng hơn 2 năm qua. Hãng này dự tính bắt đầu nhận lô A321neo đầu tiên cuối năm 2017 hoặc đầu 2018. Từ năm 2018, Vietjet sẽ đón thêm tàu A321neo với thiết kế 240 chỗ ngồi.

"Chi phí thấp là yếu tố vô cùng quan trọng ở Việt Nam, vì nhìn chung đây là một thị trường nhạy cảm về giá với chỉ số lợi nhuận thấp. Khi cạnh tranh của Việt Nam gia tăng và các hãng hàng không giá rẻ tiềm năng bắt đầu gia nhập thị trường, quy mô và chi phí của Vietjet sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng", CAPA nhấn mạnh.

Chi phí thấp cho phép Vietjet đạt lợi nhuận ngay trong thời gian đầu khi mới đi vào hoạt động. Hãng này liên tục đạt tăng trưởng lợi nhuận đều đặn kể từ giữa năm 2013. Lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi trong năm 2016, đạt 2239 tỉ VND (106 triệu USD). Trong 6 tháng đầu năm 2017, con số này tăng thêm 45%, đạt 1907 tỉ VND (84 triệu USD).

Các khoản phụ thu

Theo CAPA, doanh thu ngoài vé (Ancillary revenue) - một yếu tố quan trọng trọng thành công của các hãng hàng không giá rẻ, đã giúp Vietjet đạt được lợi nhuận ngay trong giai đoạn đầu. Các khoản này hiện chiếm 23% tổng doanh thu của Vietjet. Một số nhỏ các hãng hàng không giá rẻ khác phụ thuộc vào những khoản thu ngoài vé tới hơn 30% tổng doanh thu, nhưng 23% cũng đã là một con số đáng kinh ngạc đối với một hãng hàng không tương đối mới, đặc biệt là ở châu Á, nơi mà những khoản phụ thu này thường khá thấp.

Doanh thu ngoài vé trên tổng doanh thu: 2013 - nửa đầu năm 2017

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Vietjet thu được 13,6 USD doanh thu ngoài vé cho mỗi hành khách, tăng 20% so với cùng kì năm ngoái với 11,3 USD.

Vietjet loại bỏ việc cung cấp các dịch vụ không cần thiết để mang đến giá vé rẻ cho khách hàng, đổi lại, các hành khách phải trả thêm các chi phí như nếu muốn sử dụng các dịch vụ khác như đồ ăn, thức uống,...

CAPA dẫn chứng, năm 2015, Vietjet đã tung ra sản phẩm cao cấp Skyboss, ưu tiên các khách hàng thương gia trong việc chọn chỗ ngồi, làm thủ tục lên máy bay và được tiếp đón trong không gian phòng chờ sang trọng. Khoảng 80% các khoản thu dịch vụ đến từ phí phụ thu (ancillary fees). Quảng cáo trên máy bay, hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa miễn thuế trên các chuyến bay quốc tế) chiếm 20% còn lại.

Vietjet tin rằng hãng này có thể tiếp tục tăng doanh thu ngoài vé bằng cách mở rộng phạm vi cung cấp các dịch vụ. Vietjet đặc biệt quan tâm đến phát triển nền tảng thương mại điện tử, cho phép hành khách đặt vé máy bay và các dịch vụ khác thông qua phương tiện truyền thông xã hội và các đối tác như Google và Facebook.

Thương hiệu và mạng lưới phân phối mạnh

Vietjet đã nhanh chóng xây dựng được một thương hiệu mạnh tại Việt Nam. Một nghiên cứu trong năm 2015 đã chỉ ra rằng độ nhận biết thương hiệu của hãng này đạt 96%, với mức độ hài lòng lên tới 88%. Vietjet đang tập trung xây dựng chương trình khách hàng trung thành, điều này sẽ càng nâng cao vị thế của Vietjet trên thị trường nội địa.

"Việc sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội, tài trợ và cả những chiến dịch truyền thông đầy mạo hiểm như chương trình bikini trên không từ năm 2012 (đã tạo nên một cú hit trên youtube), đã giúp Vietjet thành công tại thị trường nội địa. Vietjet cũng có mạng lưới phân phối mạnh với hệ thộng 1300 đại lý", CAPA nhận định.

Vẫn theo CAPA, mạng lưới đại lý du lịch là chìa khóa dẫn đến thành công của Vietjet bởi hầu hết người Việt vẫn chưa có thói quen đặt vé trực tiếp trên internet. Tổng số vé được đặt qua các đại lý chiếm hơn 2/3 tổng số vé được đặt của Vietjet.

CAPA đánh giá thêm, mạng lưới các đại lý được quản lý trực tiếp bởi Vietjet mà không cần thông qua hệ thống phân phối toàn cầu (GDS), chi phí phần nào được cắt giảm. Vietjet cũng ngừng trả tiền hoa hồng cho các đại lý vào năm 2015. Hãng này vẫn trả phí khích lệ (incentive fees) cho các đại lý, phí này chiếm khoảng 0,3% tổng số chi phí của Vietjet. Tuy nhiên, chi phí này là chấp nhận được và tổng chi phí phân phối của Vietjet vẫn là rất thấp, cho phép hãng này tiếp tục duy trì việc cung cấp vé máy bay giá rẻ.

Tin mới lên