Tài chính

Vinalines lại thoát lỗ ngoạn mục, lãi 305 tỷ nhờ ‘thu nhập khác’

(VNF) – Mặc dù lỗ nặng 791 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh nhưng nhờ khoản “thu nhập khác” 1.377 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2017 của Vinalines đã đảo chiều ngoạn mục lên 305 tỷ đồng. Diễn biến này tương tự năm 2016.

Vinalines lại thoát lỗ ngoạn mục, lãi 305 tỷ nhờ ‘thu nhập khác’

Vinalines lại thoát lỗ ngoạn mục, lãi 305 tỷ nhờ ‘thu nhập khác’.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa công bố báo cáo tài chính riêng năm 2017 đã kiểm toán. Báo cáo này chỉ có bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ; thiếu 2 phần quan trọng là ý kiến của kiểm toán và thuyết minh báo cáo tài chính.

Theo báo cáo, năm qua, Vinalines ghi nhận doanh thu thuần 1.456 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2016. Tuy nhiên, giá vốn tiếp tục vượt doanh thu khiến Vinalines lỗ gộp 360 tỷ đồng trong năm 2017, vẫn cải thiện hơn so với mức lỗ gộp 1.321 tỷ đồng của năm 2016.

Năm 2017, Vinalines ghi nhận 272 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 44% so với năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính đạt 470 tỷ đồng, tăng 5,4%; chi phí bán hàng đạt 27,6 tỷ đồng, giảm 13%; chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 204 tỷ đồng, tương đương năm 2016.

Tựu chung, Vinalines lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 791 tỷ đồng trong năm 2017, bằng hơn một nửa số lỗ thuần 1.517 tỷ đồng của năm 2016.

Mặc dù lỗ nặng từ hoạt động kinh doanh nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Vinalines lại đạt mức khá cao 305 tỷ đồng. Nguyên nhân là do năm qua, tổng công ty này ghi nhận khoản thu nhập khác lên đến 1.377 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí khác chỉ 280 tỷ đồng, Vinalines ghi nhận lợi nhuận khác lên đến 1.096 tỷ đồng.

Nhiều khả năng, khoản thu nhập khác trên là đến từ hoàn nhập dự phòng và hoạt động bán nợ, tương tự như năm 2016.

Cần nhắc lại, năm 2016, Vinalines lãi tới 2.505 tỷ đồng nhờ khoản thu nhập khác lên tới 4.037 tỷ đồng; trong đó 2.709 tỷ đồng là khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, 341 tỷ đồng là hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi, 942 tỷ đồng là thu nhập từ bán nợ.

Theo Công ty Kiểm toán KPMG, sở dĩ Vinalines tiến hành hoàn nhập dự phòng trên là do tổng công ty áp dụng hướng dẫn về xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp tại Thông tư số 127/2014/TT-BTC. Theo đó, tổng công ty không trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính tại ngày xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31/12/2016 và các khoản dự phòng đã trích lập trước đó sau khi sử dụng để bù đắp tổn thất theo quy định hiện hành được hoàn nhập vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng trong năm.

Cũng theo KPMG, nếu Vinalines trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính theo đúng quy định của Chế độ Kế toán Doanh nghiệp Việt Nam, tại ngày và cho năm kết thúc ngày 31/12/2016, dự phòng đầu tư tài chính dài hạn và lỗ lũy kế sẽ tăng 3.544 tỷ đồng, chi phí tài chính sẽ tăng 834 tỷ đồng, thu nhập khác sẽ giảm 2.709 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm 3.544 tỷ đồng.

Quay trở lại năm 2017, tính đến hết năm, tổng tài sản của Vinalines đạt 16.384 tỷ đồng, giảm 9,5% sau một năm. Phần lớn tài sản của Vinalines tập trung ở các khoản đầu tư tài chính dài hạn (9.250 tỷ đồng), tài sản cố định (3.726 tỷ đồng), tiền và các khoản tương đương tiền (837 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 31/12/2017 của Vinalines ở mức 12.469 tỷ đồng, tăng 4,4% sau một năm. Nợ phải trả ở mức 3.915 tỷ đồng, giảm 36%.

Tin mới lên