10 vụ triệu hồi nổi bật của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2019

Minh Đức - 27/12/2019 06:25 (GMT+7)

(VNF) - Ford triệu hồi hơn 38.000 xe Ranger, Mitsubishi triệu hồi hơn 14.000 xe Xpander hay lỗi túi khí trên xe Honda CR-V và Civic là một trong những vụ triệu hồi "rúng động" tại thị trường Việt Nam trong năm 2019.

VNF
10 vụ triệu hồi nổi bật của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2019.

1. Triệu hồi “vua bán tải” Ford Ranger

Năm 2019, mẫu bán tải Ford Ranger là mẫu bán tải có số lần triệu hồi cũng như số lượng xe bị ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam.

Cụ thể, đợt triệu hồi lần đầu liên quan tới lỗi tú khí an toàn phái trước với số lượng 3.206 xe. Số lượng nằm trong đợt triệu hồi có thời gian sản xuất từ ngày 22/11/2007 đến ngày 10/10/2011.

Theo lý giải của nhà sản xuất, số lượng xe Ford Ranger bị triệu hồi được nhập khẩu từ Thái Lan sử dụng túi khí Takata bị ảnh hưởng, trong những trường hợp va chạm ở ngưỡng kích hoạt túi khí, bộ phận bơm khí có thể bị vỡ. Các mảnh vỡ của bộ phận bơm khí có thể văng vào người ngồi trên xe gây chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.

Đợt triệu hồi thứ 2 liên quan tới lỗi ống dầu phanh trước được nhà sản xuất thông báo vào tháng 6/2019 với số lượng 25.288 chiếc.

Số lượng xe bị ảnh hưởng được sản xuất từ ngày 1/3/2016 đến ngày 16/4/2018. Điều đáng nói là đợt triệu hồi lần 2 có thời gian để khắc phục kéo dài gần 10 năm (từ ngày 25/6/2019 đến ngày 25/6/2029).

Cũng liên quan tới lỗi hệ thống ống dầu phanh trước, vào tháng 5/2019 Ford Việt Nam cũng từng thông báo triệu hồi với số lượng 9.852 chiếc. Số lượng xe bị triệu hồi được sản xuất trong khoảng từ ngày 1/3/2016 đến 16/4/2018.

2. Audi triệu hồi A7 Sportback Quattro, Q5, A8L và Q7

Đợt triệu hồi đầu tiên của Audi Việt Nam được thông báo vào tháng 5/2019. Theo đó, các mẫu xe gồm Audi A7, A8, Q7 bị ảnh hưởng (sản xuất năm 2013 đến 2018) bị triệu hồi để thay thế đường ống áp suất thấp của hệ thống nhiên liệu động cơ 3.0 TFSI trên xe.

Trong tổng số xe nằm trong đợt triệu hồi trên có 37 chiếc A7 Sportback Quattro, 78 chiếc A8L Quattro và 67 xe Q7 Quattro.

Nguyên nhân được xác định là có lỗi trong quá trình hàn ma sát sản xuất chi tiết đường ống áp suất thấp, dẫn đến giảm độ kín khít của mối hàn, gây ra rò rỉ nhiên liệu tại vị trí nắp của đường ống áp suất thấp. Trong một số trường hợp đặc biệt, mùi nhiên liệu có thể lọt vào trong xe.

Đáng chú ý là đợt triệu hồi đối với mẫu xe Audi Q5 với hai lỗi khác nhau là thay dầu xi-lanh phanh chính và ốp chắn bùn.

Cụ thể như sau, đối với lỗi thay dầu xi-lanh chính của hệ thống phanh thủy lực có số lượng xe được sản xuất từ tháng 7/2018 đến tháng 3/2019. Còn đối với lỗi ốp chắn bùn, có tổng cộng 566 xe Audi Q5 bị triệu hồi. Những xe này có thời gian sản xuất từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2018.

Nguyên nhân triệu hồi là trên dòng xe Audi Q5 bị ảnh hưởng được sản xuất từ tháng 7/2015 đến năm 12/2018, liên kết ốp chắn bùn không chắc chắn.

3. Triệu hồi hơn 14.000 xe Mitsubishi Xpander

Cụ thể, số lượng xe Mitsubishi Xpander bị lỗi để thay thế hệ thống bơm nhiên liệu lên tới 14.051 chiếc. Trong đó, có 9.428 xe Xpander số tự động sản xuất trong khoảng thời gian từ 14/8/2018 đến 22/8/2019 và 4.623 xe thuộc bản số sàn, sản xuất từ ngày 23/8/2018 đến 26/8/2019.

Điều đáng nói là ngoài lỗi hệ thống bơm nhiêu liệu, mẫu xe bán chạy nhất của Mitsubishi Việt Nam cũng bị nhiều người dùng phàn nàn về hiện tượng phuộc sau chảy dầu.

4. Honda Việt Nam triệu hồi CR-V và Civic

Tháng 10/2019, Honda Việt Nam đã ra thông báo triệu hồi đối với 2 mẫu xe là Honda CR-V và Civic để thay thế bộ thổi khí của túi khí phía trước.
Theo đó, có tổng cộng 5 chiếc gồm Civic (sản xuất từ giai đoạn năm 2008 – 2010) và SUV CR-V ra đời năm 2010 sẽ bị triệu hồi do lỗi túi khí ở phía trước. Được biết, túi khí bị lỗi được sản xuất bởi nhà sản xuất Takata.

Nguyên nhân được đưa ra là trên các mẫu xe này, nguy cơ túi khí bị kích hoạt có thể tạo ra hiện tượng quá áp trong bộ thổi khí do chất lượng của hạt tạo khí. Điều này dẫn đến bộ thổi khí bị nổ, những mảnh vỡ của bộ thổi khí bắn ra với tốc độ cao dễ gây thương tích cho những người ngồi trong xe.

5. Triệu hồi hơn 1.600 chiếc Mercedes-Benz C-Class, E-Class 

Ngày 21/6/2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phê duyệt chương trình triệu hồi đối với hai dòng xe C-Class (số loại W205) và E-Classs (số loại W213) của Mercedes-Benz Việt Nam để kiểm tra, thay thế hộp số điều khiển và cụm cơ cấu lái (cụm thước lái) trên các xe bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân được Daimler AG đưa ra là trên một số xe thuộc dòng xe C-class, E-Class lắp ráp dạng CKD có khả năng bị ảnh hưởng, hộp điều khiển hệ thống lái có thể nhận các tín hiệu đo không chính xác do bảng mạch có thể có các vết nứt li ti và khả năng hình thành các sợi dẫn điện trong vết nứt trong một số điều kiện nhất định.

Phần mềm hộp điều khiển có thể phát hiện các tín hiệu đo không chính xác và ghi nhận là dạng lỗi, do đó ngừng kích hoạt hệ thống trợ lực lái

6. Triệu hồi 375 xe Volkswagen Tiguan 

Tháng 6/2019, Volkswagen Việt Nam ra thông báo triệu hồi đối với có tổng cộng 375 xe Volkswagen Tiguan bán ra thị trường, có thời gian sản xuất từ ngày 31/3/2017 đến ngày 20/11/2018 để kiểm tra và thay thế do lỗi lò xo hệ thống treo phía sau.

Nguyên nhân được xác định là do vật liệu chế tạo lò xo hệ thống treo phía sau lắp trên một số xe Volkswagen Tiguan có thể không cùng loại với vật liệu tiêu chuẩn.

7. Triệu hồi 604 xe bán tải Nissan Navara

Ngày 13/6/2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phê duyệt chương trình triệu hồi đối với 604 xe bán tải Nissan Navara (bản EL và SL) do Nissan Việt Nam phân phối để thay thế công tắc ổ khoá bị lỗi.

Tổng số 604 xe bán tải Nissan Navara (bản EL và SL) nằm trong đợt triệu hồi để thay thế công tắc ổ khoá được sản xuất từ ngày 25/4/2017 đến ngày 25/7/2017. Thời gian bắt đầu chiến dịch triệu hồi từ ngày 17/6/2019 kéo dài đến ngày 17/6/2020.

Nguyên nhân được xác định là do ở một số ổ khóa trên các xe bị ảnh hưởng, lò xo bên trong của công tắc ổ khóa có thể không đủ độ cứng, có thể hỏng hóc qua quá trình sử dụng ổ khóa. Điều này dẫn đến việc không giữ được vị trí định vị của ổ khóa khi ở vị trí ON khi trên chìa khóa có treo nhiều vật nặng.

8. Triệu hồi xe hạng sang Land Rover

Ngày 13/6, Land Rover Việt Nam cũng phát đi thông báo triệu hồi đối với các mẫu xe Land Rover Discovery Sport, Range Rover Velar và Range Rover Evoque sử dụng động cơ xăng Ingenium I4 2.0L và GTDi 2.0L, được sản xuất từ năm 2016 đến năm 2018 để cập nhật lại phần mềm khí thải CO2.

9. Triệu hồi 201 xe Toyota Vios do lỗi túi khí

Theo đó, 201 xe Toyota Vios bị triệu hồi có thời gian sản xuất từ ngày 2/1/2014 đến ngày 25/1/2014 được triệu hồi để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí của túi khí phía trước ghế hành khách.

Trên các xe nằm trong diện ảnh hưởng, cụm bơm khí (được cung cấp bởi công ty Takata) có thể được sản xuất với nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian. Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực quá lớn bên trong cụm bơm khí, dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ.

Trong một số trường hợp, cụm bơm khí bị nứt vỡ, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, dẫn đến nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách trong một vụ tai nạn.

10. Triệu hồi 1.370 xe Ford Transit

Ngày 4/6/2019, Ford Việt Nam đã ra thông báo triệu hồi đối với mẫu minibus Transit, với số lượng 1.370 chiếc được sản xuất tại nhà máy Hải Dương, Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 22/10/2016 – 26/4/2017.

Nguyên nhân được phía nhà sản xuất Ford Việt Nam đưa ra là do phần mềm mô đun điều khiển động cơ PCM không thích hợp, dẫn đến tình trạng có thể không còn đáp ứng yêu cầu về khí thải của phương tiện giao thông sau một thời gian sử dụng.

Xem thêm: Chuyển sang nhập khẩu khiến giá tăng cao, liệu Mercedes-Benz GLC 300 2020 có đủ hấp dẫn?

Cùng chuyên mục
Tin khác