40 dự án tại Bãi Dài, Cam Ranh: Kẻ thăng hoa, người đắp chiếu
Thụy Khanh -
12/08/2017 20:18 (GMT+7)
(VNF) – Bãi Dài, Cam Ranh là nơi tập trung khoảng 40 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tỉnh Khánh Hòa. Đa số dự án có quy mô diện tích lên tới vài chục hecta và vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tại Bãi Dài mới chỉ có một số dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Theo báo cáo mới đây của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hoà, tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh hiện nay có 40 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.680ha, tổng vốn đăng ký 28.790 tỷ đồng, đã giải ngân được 8.530 tỷ đồng.
Hiện đã có 26 dự án được cấp giấy phép xây dựng và đã khởi công xây dựng. Một số dự án hoàn thành (một phần hoặc toàn bộ) đi vào hoạt động như: Vinpearl Bãi Dài, Duyên Hà Resort Cam Ranh, The Anam, Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa, Fusion Maia Nha Trang Resort…
Dự án Vinpearl Bãi Dài đã đi vào hoạt động
Biệt thự nghỉ dưỡng thuộc Vinpearl Bãi Dài
Cổng chính vào dự án Duyên Hà Resort Cam Ranh
Công trình khách sạn thuộc dự án Duyên Hà Resort Cam Ranh
Dự án The Anam đã đi vào hoạt động
Biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án The Anam
Một số dự án khác, như Eurowindow Nha Trang của Tập đoàn Eurowindow đang được tích cực triển khai thi công các hạng mục.
Dự án Eurowindow Nha Trang có tổng diện tích gần 34ha với vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng.
Dựán được chia làm 2 khu, trong đó Eurowindow Nha Trang đã ký hợp đồng vớiCarlson Rezidor Hotel Group quản lý 11.4ha của dự án Radisson Blu Cam Ranh Bay
Phần còn lại kýhợp đồng với tập đoàn Mövenpick Hotels & Resorts để quản lý khu khách sạn MövenpickRersort Cam Ranh trên diện tích gần 24 ha
Tuy nhiên, tại Bãi Dài vẫn còn hàng loạt dự án dở dang, "đắp chiếu" kéo dài. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi chạy xe dọc đường Nguyễn Tất Thành từ sân bay Cam Ranh về thành phố Nha Trang. Suốt hàng chục km, hình ảnh những cồn cát cao ngất, quây tôn xanh trắng và những căn biệt thự hoang tàn hiện ra vô số.
Theo ghi nhận từ phía tỉnh Khánh Hòa, nguyên nhân chậm của các dự án cũng rất đa dạng. Có dự án chậm vì chủ đầu tư buộc phải thoái vốn do đầu tư ngoài ngành, có dự án lại chậm do vướng mắc đền bù giải tỏa mặt bằng, số khác lại chậm do năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư vv…
Trong số các dự án chậm tiến độ nghiêm trọng, Alma Long Beach Resort Project là một trường hợp điển hình.
Tiền thân của dự án này là Khu du lịch Bãi Rồng (diện tích 30,24ha nằm tại vị trí lô D7a2, TT4, Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh) do Công ty TNHH Du lịch Bãi Dài làm chủ đầu tư. Dự án này từng được khởi công vào năm 2009 tuy nhiên đã bị chậm tiến độ kéo dài.
Tới năm 2013, Công ty TNHH Du lịch Bãi Dài đã chuyển nhượng dự án này cho Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường. Đơn vị này sau đó đã đổi tên dự án thành Alma Long Beach Resort Project như hiện nay.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án Alma có quy mô 30ha, khi hoàn thành sẽ có 200 biệt thự, 400 căn hộ tương đương với hơn 3 vạn đơn vị kì nghỉ mỗi năm. Dự án được quảng cáo có tổng mức đầu tư 300 triệu USD, tuy nhiên, báo Đầu tư Chứng khoán dẫn số liệu từ Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh số 3712200419 ngày 29/11/2013 cho thấy, dự án chỉ có tổng vốn đầu tư 486 tỷ đồng (trong đó, vốn vay là 381 tỷ đồng, vốn điều lệ của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường là 105 tỷ đồng).
Alma Long Beach Resort Project là dự án không bán nhà, bán bất động sản mà là bán quyền sở hữu kì nghỉ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chủ đầu tư đã bán quyền sở hữu kì nghỉ cho khách hàng từ năm 2013 – trong khi tới tận năm 2017 dự án mới có giấy phép xây dựng chính thức.
Hiện, dự án vẫn đang "chìm" trong bê bối khiếu nại của khách hàng. Và mới đây, tháng 7/2017, chủ đầu tư đã bị phạt 30 triệu đồng do thi công chậm tiến độ.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, 2 khối cao tầng của dự án Alma hiện được thi công khá chậm. Khối phía nam mới xong tầng 12 còn khối phía bắc mới chỉ lên được tầng 10.
Một dự án lớn khác cũng đang trong tình trạng "đắp chiếu" là Resilient Field Cam Ranh của Tổng công ty MBLand (MBLand Holdings) nằm tại lô D11, khu 1, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thuộc địa phận xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm.
Dự án có tổng diện tích 10,13 ha, theo quy hoạch sẽ được xây dựng thành hai tổ hợp bao gồm khách sạn 5 sao và khu nghỉ dưỡng. Khách sạn 5 sao dự kiến xây dựng có chiều cao khoảng 15 tầng với quy mô khoảng 200 phòng. Khu nghỉ dưỡng bao gồm hai loại villas & bungalows cho thuê theo ngày và villas & bungalows được bán theo hình thức timeshare.
Dự án này vốn có tên là Thụy Việt Cam Ranh do Công ty TNHH Ngọc Lan làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận đầu tư từ năm 2008. Công ty Ngọc Lan đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để triển khai và đã hoàn thành khoảng 10% khối lượng toàn dự án. Tuy nhiên do thiếu vốn, dự án đã bị đình trệ và bị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi vào tháng 4/2017.
Trước đó, vào năm 2014, ông Phạm Gia Thắng (người sở hữu 63,33% cổ phần và cũng là người đại diện pháp luật của Công ty Ngọc Lan) đã tiến hành làm giả chữ ký của một số cổ đông, thay đổi giấy đăng ký kinh doanh và tự ý chuyển nhượng dự án Thụy Việt Cam Ranh cho MBLand. Vụ việc sau đó bị phát hiện và nhóm Ngọc Lan cho rằng do ông Thắng giả chữ kí nên việc chuyển nhượng dự án là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, phía MBLand bác bỏ sự liên quan đến các khiếu nại của Công ty Ngọc Lan và khẳng định mình là chủ đầu tư duy nhất của dự án. Doanh nghiệp này cho biết đã chuyển trên 23 tỷ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa) nhằm hỗ trợ tiền đầu tư trên đất tại dự án Thụy Việt Cam Ranh đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi trước đó.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VietnamFinance, dự án Thụy Việt Cam Ranh (hay Resilient Field Cam Ranh) hiện vẫn chưa được triển khai thêm bất cứ hạng mục nào (tại thời điểm đầu tháng 8/2017).
Giải thích cho việc chưa thể triển khai này, MBLand cho biết sổ đỏ khu đất đã bị tỉnh Khánh Hòa thu giữ (do khiếu nại của phía Công ty Ngọc Lan) nên công ty tạm thời không thể thi công xây dựng được.
Cách không xa dự án của MBLand Holdings là Dự án Khu du lịch Sài Gòn Cam Ranh do Công ty Cổ phần Sài Gòn – Cam Ranh (một liên danh gồm: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Tư vấn Thanh Phong, Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản – Phát triển Nhà Thành phố và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà Thời Đại) làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng diện tích 20ha, quy mô 216 phòng khách sạn cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hội nghị, sân golf mini, giải trí dưới nước cùng các khu biệt thự cao cấp, công trình phụ trợ…
Động thổ vào cuối tháng 12/2014, tuy nhiên cho đến nay, dự án vẫn mới chỉ xây dựng một phần rất nhỏ hạng mục, còn lại vẫn là một cồn cát rộng lớn, chưa được khai thác.
Gần với dự án Khu du lịch Sài Gòn Cam Ranh là dự án Nha Trang Seahorse Resort & Spa của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hồng Ngọc Việt. Dự án này được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở không hình thành đơn vị ở hồi tháng 8/2016.
Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư cũng chưa có động thái xây dựng nào đáng kể.
Dự án Cam Ranh Flower Resort cũng là một điển hình khác về tiến độ xây dựng chậm chạp. Với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, dự án đã từng có màn khởi công hoành tráng vào tháng 3/2014. Sau đó, chủ đầu tư (Công ty State Development ) tiếp tục có động thái đáng chú ý khi kí kết hợp đồng quản lý với Dusit Thani – một thương hiệu quản lý nổi tiếng quốc tế - để quản lý và điều hành dự án này. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, dự án không được đẩy mạnh xây dựng.
Theo tìm hiểu, dự án có quy mô diện tích 15ha, gồm 10 bungalow, một khách sạn 5 sao 256 phòng, 56 căn biệt thự và 117 căn hộ vô sang trọng.
Một số hình ảnh dự án khác được VietnamFinance ghi nhận:
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.