Diễn đàn VNF

Bà Phạm Chi Lan: ‘CPTPP là cơ hội để Việt Nam biến áp lực thành nội lực’

(VNF) - “Khi tham gia CPTPP, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi vì hàng hoá phong phú hơn, thuế giảm nhưng mà đông đảo doanh nghiệp Việt nếu không cạnh tranh nổi lại phải chết đi”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thận trọng khi nói về triển vọng kinh tế Việt Nam “hậu” CPTPP.

Bà Phạm Chi Lan: ‘CPTPP là cơ hội để Việt Nam biến áp lực thành nội lực’

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, CPTPP mang đến cho Việt Nam cơ hội biến áp lực thành nội lực

“Nếu như WTO là dấu mốc cho quá trình hội nhập theo chiều rộng của Việt Nam thì CPTPP đánh dấu giai đoạn mới khi Việt Nam muốn hội nhập theo chiều sâu, ở tầm cao hơn, với những đòi hỏi cao hơn từ bên ngoài”, bà Lan nói.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, CPTPP mang đến cho Việt Nam cơ hội biến áp lực thành nội lực.

Bà Phạm Chi Lan cho biết, khi CPTPP có hiệu lực, bà không kỳ vọng vào việc xuất khẩu tăng lên, đầu tư FDI tăng lên. “Tôi kỳ vọng vào đổi mới thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Chắc chắn khi tham gia CPTPP rồi, chúng ta không thể duy trì môi trường kinh doanh như hiện nay được”, bà Lan nhấn mạnh.

Theo bà Phạm Chi Lan, “khi tham gia CPTPP, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi vì hàng hoá phong phú hơn, thuế giảm nhưng mà đông đảo doanh nghiệp Việt nếu không cạnh tranh nổi lại phải chết đi”.

Chính vì vậy, bà Phạm Chi Lan kỳ vọng áp lực từ CPTPP sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn, để tăng tính cạnh tranh và nội lực cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Từ đó chúng ta đứng được trên đôi chân của mình chứ không phải tăng trưởng của Việt Nam cứ dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài. Từ đấy, lợi ích của hội nhập sẽ rơi vào người Việt nhiều hơn chứ lợi ích không đến từ tăng trưởng xuất khẩu. Vì nếu tăng trưởng xuất khẩu được thì vẫn 70% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài họ hưởng lợi chứ còn doanh nghiệp trong nước không được hưởng lợi với năng lực như hiện nay”, bà Lan nói.

Đồng tình với nhận định của bà Phạm Chi Lan, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho biết việc chính phủ cần làm ngay là rà soát lại việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh, có sự chỉ đạo, hướng dẫn xuống tận cấp huyện, cấp sở. Bởi vì đó là những cơ quan thực thi.

“Ở cấp huyện, cấp sở tôi không tin là họ sẽ thực hiện cải cách nếu không có áp lực, không có hướng dẫn”, ông Nguyễn Đình Cung nói và kiến nghị cần tăng thêm áp lực cũng như cứng rắn hơn với các ngành/địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, để tăng cường năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung đề xuất nhóm các doanh nghiệp lớn/có tốc độ tăn trưởng cao trong nước lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có triển vọng.

“Đầu tiên là hỗ trợ về quản trị. Những doanh nghiệp trong nước như Vingroup hay Thaco hoàn toàn có thể giúp SME tăng năng lực cạnh tranh”, ông Cung nói.

“Chúng ta hãy bàn nhiều hơn vấn đề ở bên trong, chứ không phải dành quá nhiều thời gian cho cơ hội hay rủi ro từ bên ngoài. Bên trong phải đi trước”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh vai trò của nội lực.

Tin mới lên