Bà Trương Mỹ Lan muốn bán loạt tài sản, thu về hàng chục nghìn tỷ để trả cho trái chủ

Trần Lê - 24/09/2024 15:19 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 24/9, Tòa án Nhân dân TP. HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm với phần luật sư tham gia xét hỏi.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa.

Cam kết khắc phục hậu quả

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản', 'rửa tiền', 'vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới' xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vạn Thịnh Phát) khai, bà không tham gia bất cứ hoạt động nào của SCB. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước mời bị cáo tham gia tái cơ cấu vì bị cáo có tài sản, có mối quan hệ, kêu gọi nhà đầu tư trong nước, ngoài nước.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, thời gian đó chi phí để SCB tồn tại là 61.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn thu vào từ việc phát hành trái phiếu chỉ 11.000 tỷ đồng, còn 50.000 tỷ đồng vay từ bị cáo và các nguồn khác là bạn bè của bị cáo… Bị cáo không che giấu thông tin nên không thể nói là lừa đảo.

Với số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu hơn 30.000 tỷ đồng thì 11.000 tỷ đồng sử dụng cho SCB, còn hơn 17.000 tỷ đồng sử dụng cho các đơn vị liên quan. Vì thế, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị Hội đồng Xét xử thu hồi tiền cho các trái chủ. Nếu có tranh chấp dân sự giữa các đơn vị liên quan với các trái chủ thì bị cáo sẽ đứng ra nhận trách nhiệm.

Với thiệt hại đã xảy ra, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thể hiện cam kết trong việc khắc phục hậu quả. Bị cáo Lan hứa sẽ dùng tài sản của mình để ưu tiên trả cho trái chủ trước khi giải quyết hậu quả của giai đoạn 1 vụ án.

Bán tài sản để trả nợ

Cụ thể, bà Lan đề nghị sử dụng cổ phiếu, cổ phần, các khoản tiền và tài sản liên quan đến giai đoạn 1 mà tòa án đã buộc các cá nhân, tổ chức nộp lại, tổng giá trị ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Lan còn đề nghị Hội đồng Xét xử thu hồi hơn 17.000 tỷ đồng từ các ngân hàng và tổ chức khác đã nhận tiền từ việc phát hành trái phiếu. Tổng cộng khoảng 38.000 tỷ đồng.

Bị cáo Lan nói tổng số tài sản trong giai đoạn 1 của vụ án ước tính có hơn 650 tài sản, trong đó bị cáo xin chào bán hơn 200 tài sản để ưu tiên trả cho trái chủ.

Đối với một số dự án, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, tòa nhà 29 Liễu Giai (Hà Nội) hiện có giá trị hơn 600 triệu USD nhưng đang nợ ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD. Hiện tòa nhà chỉ bán được 350 triệu USD, nếu trả nợ ngân hàng 250 triệu USD xong còn tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng. Bị cáo Trương Mỹ Lan xin tiếp tục tìm đơn vị nào mua giá cao hơn một chút để khắc phục thiệt hại.

Với dự án 6A (khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh) có diện tích 26ha, bị cáo Trương Mỹ Lan khai đây là dự án rất có giá trị và đã có nhiều đầu tư trả mức giá 30.000 – 50.000 tỷ đồng. Bị cáo đồng ý bán rẻ 10.000 tỷ đến 20.000 tỷ đồng để đền bù cho các trái chủ những năm qua đã thiệt thòi.

Với 'siêu' dự án Amigo K (quận 1, đối diện tòa nhà Saigon Timesquare) có giá trị hơn 100.000 tỷ đồng, đã được Vạn Thịnh Phát đầu tư suốt 30 năm qua, bị cáo Trương Mỹ Lan đồng ý mang dự án này ra để giải quyết.

Các Tổng giám đốc ký phát hành trái phiếu 'khống' theo chỉ đạo Trương Mỹ Lan

Các Tổng giám đốc ký phát hành trái phiếu 'khống' theo chỉ đạo Trương Mỹ Lan

Tiêu điểm
(VNF) - Ngày 23/9, Tòa án Nhân dân TP. HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.