Bamboo Capital thoái vốn tại BCG Energy: Tập trung cho hoạt động cốt lõi

Hoàng Anh - 05/06/2024 14:45 (GMT+7)

(VNF) - Lý do được Bamboo Capital đưa ra là nhằm thu hồi vốn để tập trung vào hoạt động cốt lõi của công ty.

Mới đây, Công ty CP Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã thông qua nghị quyết về việc thoái một phần vốn góp tại Công ty CP BCG Energy.

Nội dung thoái vốn của BCG Energy

Cụ thể, Tập đoàn này muốn bán ra 26,5 triệu cổ phần, tương đương 3,63% vốn điều lệ BCG Energy ngay trong II/2024, nhằm mục đích thu hồi vốn tập trung hoạt động cốt lõi. Mức giá chuyển nhượng được đưa ra là không thấp hơn 10.000 đồng/cp, tương ứng thu về tối thiểu 265 tỷ đồng.

Được biết, Bamboo Capital hiện đang nắm giữ 369,8 triệu cổ phiếu, tương đương với 50,66% vốn điều lệ của BCG Energy. Như vậy, nếu giao dịch được hoàn tất, số lượng cổ phiếu mà Tập đoàn này nắm giữ tại công ty con sẽ hạ xuống mức 343,3 triệu cổ phiếu, tương đương 47,03% vốn điều lệ.

Cùng với đó, Bamboo Capital cũng thông báo thôi nhiệm vụ người được ủy quyền đại diện quản lý phần vốn góp tại BCG Energy đối với ông Nguyễn Hồ Nam. Phần vốn góp hậu thoái vốn sẽ được đại diện quản lý bởi các ông Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Mạnh Chiến và Nguyễn Tùng Lâm với tỷ lệ lần lượt là 18,81%, 14,11% và 14,11%.

Mặt khác, Tập đoàn Bamboo Capital sẽ thực hiện nhận ủy quyền từ Công ty TNHH MTV NHN đối với khối lượng 11,5 triệu cổ phiếu BCG Energy, tương ứng với 1,57% vốn điều lệ. Tập đoàn được đại diện đối với toàn bộ biểu quyết của công ty NHN.

Hai cá nhân khác, ông Nguyễn Hồ Nam và bà Huỳnh Thị Kim Tuyến, cũng ủy quyền cho Tập đoàn Bamboo Capital thực hiện quyền cổ đông đối với số lượng lần lượt là 6 triệu cổ phần (0,82%) và 21 triệu cổ phần (2,88%).

Như vậy, sau khi nhận ủy quyền từ các cổ đông NHN, ông Nguyễn Hồ Nam và bà Huỳnh Thị Kim Tuyến, Tập đoàn Bamboo Capital vẫn nắm quyền kiểm soát BCG Energy với tổng quyền biểu quyết là 52,3% vốn, tương đương 381,8 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, cũng trong ngày ra quyết định thu hồi vốn tại BCG Energy, Bamboo Capital cũng thông qua quyết định cho công ty con 140 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh sản xuất.

Chưa chào sàn UPCoM, BCG Energy đã 'mơ Mỹ tiến'

Nói thêm về BCG Energy, thành viên đảm nhận mảng năng lượng tái tạo trong hệ sinh thái Bamboo Capital mới đây đã hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng và dự kiến sẽ ra mắt sàn UPCoM trong quý II này. Tuy nhiên, kế hoạch của doanh nghiệp này dường như không dừng lại ở việc 'theo mẹ lên sàn' mà còn hướng tới những mục tiêu xa hơn.

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức đầu tháng 3 vừa qua, cổ đông BCG Energy đã thông qua chủ trương đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Đáng nói, tại tờ trình số 15 tài liệu ĐHĐCĐ, khi đề cập tới 'giấc mơ Mỹ tiến', BCG Energy chỉ đề cập tới việc doanh nghiệp đã đủ kiều kiện là công ty đại chúng theo quy định của Luật chứng khoán Việt Nam (tính tới ngày 13/3/2024, có 160 cổ đông và vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng) chứ không hề nhắc tới việc làm cách nào để cổ phiếu có thể “Mỹ tiến”.

Mặt khác, số liệu mà BCG Energy đề cập trong tờ trình là chưa thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt của Nasdaq hiện tại.

Cần biết, doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn chứng khoán này phải có ít nhất 450 cổ đông lô tròn (100 cổ phiếu trở lên), 2.200 tổng cổ đông hoặc 550 tổng cổ đông với 1,1 triệu khối lượng giao dịch trung bình trong khoảng thời gian 12 tháng qua. Bên cạnh đó, tỷ lệ cổ phần tối thiểu do công chúng nắm giữ bắt buộc phải ở mức 1,1 triệu cổ phiếu với tổng giá trị thị trường của cổ phiếu công chúng phải ở các mức 8 triệu USD, 18 triệu USD hoặc 20 triệu USD.

Như vậy với số vốn điều lệ tính ra chỉ đạt khoảng 287.000 USD và số lượng 160 cổ đông, BCG Energy vẫn còn cách khá xa yêu cầu của Nasdaq.

Chưa kể, sàn Nasdaq nhiều yêu cầu khắt khe khác về thu nhập trong 2 hoặc 3 năm gần nhất; dòng tiền; doanh thu và vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, bức tranh tài chính năm 2023 của BCG Energy lại chưa thực sự khả quan.

Theo báo cáo tài chính công bố năm 2023, BCG Energy ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.125,6 tỷ đồng (tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022), mức tăng trưởng do các nhà máy điện mặt trời đã vận hành đạt hiệu suất hơn 100% so với dự phóng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của công ty tại thời điểm 31/12/2023 là 186,6 tỷ đồng.

Sau khi khấu hao chi phí và thuế, lãi ròng ghi nhận âm 152,7 tỷ đồng. Theo lý giải của BCG Energy, lãi ròng thâm hụt mạnh chủ yếu do 2 nguyên nhân: đánh giá chênh lệch tỷ giá đối với các khoản vay bằng USD với tổng dư nợ khoảng 140 triệu USD, tuy nhiên đây là mức lỗ chưa hiện thực hóa; và các chi phí tài chính phát sinh một lần liên quan đến các gói tài trợ tài chính quốc tế như chi phí tư vấn thu xếp vốn và chi phí thẩm định. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của BCG Energy tại thời điểm 31/12/2023 là 186,6 tỷ đồng.

Tổng tài sản hợp nhất tính đến 31/12/2023 của BCG Energy đạt 19.036,5 tỷ đồng, giảm 8,7% so với thời điểm đầu năm do khấu hao tài sản cố định, tất toán và thu hồi một số khoản hợp tác đầu tư ngắn và dài hạn, cũng như giảm số dư thuế phải thu do hai dự án điện mặt trời của Công ty nhận được khoản hoàn thuế.

Đáng chú ý, tổng nợ phải trả giảm xuống còn 9.300,5 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 31,97% nhờ BCG Energy đã chủ động mua lại trước hạn toàn bộ 2 lô trái phiếu trị giá 2.500 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.