Tài chính quốc tế

Bất chấp nỗi lo suy thoái, ECB tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục

(VNF) - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, thể hiện quyết tâm đánh bại mức lạm phát cũng đang trên mức cao xấp xỉ 2 con số, bất chấp việc châu lục nàu đang đứng trước bờ vực suy thoái kinh tế.

Bất chấp nỗi lo suy thoái, ECB tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - bà Christine Lagarde.

Các quan chức của ECB ở Frankfurt (Đức) đã đưa ra mức tăng lãi suất 0,75% lần thứ 2 liên tiếp vào ngày 27/10, đưa lãi suất tiền gửi, vốn đã thấp hơn 0 vào tháng 7, lên mức 1,5%. Đây là mức lãi suất cơ bản cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2009. 

“Lạm phát vẫn ở mức quá cao và sẽ ở trên mục tiêu trong một thời gian dài”, theo tuyên bố của ECB hôm 27/10. 

Đây là lần thứ 3 ECB tăng lãi suất trong năm nay. Trước đó, ngân hàng trung ương châu Âu đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 7 và 0,75% vào tháng 9.

Mức tăng gấp đôi lãi suất của ECB đã được các nhà kinh tế dự đoán trước, tuy nhiên thông tin công bố chính thức vẫn khiến đồng EUR trượt giá so với đồng USD trong thời gian ngắn trước khi phục hồi nhẹ và làm giảm lợi tức trái phiếu chính phủ châu Âu.

Động thái mới diễn ra khi ECB đang đối phó với lạm phát cao kỷ lục (lạm phát khu vực eurozone tháng 9 là 9,9%) và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, với nhiều nhà kinh tế dự đoán suy thoái trong khu vực trước cuối năm nay. Đây được coi là một sự cân bằng "mong manh" đối với ngân hàng trung ương, vì nếu ECB tăng lãi suất mạnh mẽ trong nỗ lực đối phó với lạm phát, nó có thể gây ra nhiều rắc rối hơn cho nền kinh tế.

Thông qua động thái này, ECB tái khẳng định cam kết giành lại quyền kiểm soát đối với lạm phát giá đang tăng gấp 5 lần so với mục tiêu 2%.

“Hoạt động kinh tế trong khu vực đồng EUR có thể sẽ chậm lại đáng kể trong quý III”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu trong một cuộc họp báo, dự báo “khả năng suy thoái cao hơn”.

Khi được hỏi về sự thay đổi trong triển vọng lãi suất của ECB, bà Lagarde cho biết con đường chính xác sẽ được xác định khi các quan chức mở cuộc họp tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại UniCredit Bank, nói với Bloomberg: “ECB đang thực hiện một chế độ thắt chặt mà tôi nghĩ rằng nó sẽ phá hủy nền kinh tế. Nền kinh tế vốn đã yếu và chúng tôi đang thắt chặt chính sách do một loạt vấn đề".

Ngoài việc công bố tăng lãi suất, các quan chức ECB cũng thắt chặt các điều khoản đối với hơn 2.000 tỷ EUR (2.000 tỷ USD) các khoản vay siêu rẻ từ thời đại dịch cho các ngân hàng (được gọi là TLTRO).

Đây là công cụ cung cấp cho các ngân hàng ở châu Âu điều kiện vay hấp dẫn và được thiết kế để kích khích cho vay đối với nền kinh tế.

Các thỏa thuận đã trở nên có vấn đề sau khi các đợt tăng lãi suất nhanh chóng gần đây cho phép người cho vay gửi tiền mặt TLTRO vào tài khoản ECB và hưởng lãi suất cao.

Việc thay đổi các điều kiện trở về trước mang lại rủi ro pháp lý và có thể khiến các ngân hàng cảnh giác với các đề nghị tương tự trong tương lai, làm giảm hiệu quả của chúng. Giám đốc Tài chính James von Moltke của Deutsche Bank cho biết ông sẽ "thất vọng" nếu các điều khoản được điều chỉnh.

Các quan chức cũng cắt giảm lãi suất phải trả đối với khoản dự trữ mà các ngân hàng phải giữ tại ECB để phù hợp với lãi suất tiền gửi.

Xem thêm >> ECB: Thế giới sẽ không trở lại môi trường lạm phát thấp trước đại dịch Covid-19

Tin mới lên