Bắt tay được với TikTok, Oracle như hổ mọc thêm cánh
Lê Quân -
16/09/2020 09:26 (GMT+7)
Kể cả không nắm trọn được mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ, Oracle cũng được xem như hổ thêm cánh nếu trở thành đối tác cung cấp dịch vụ đám mây cho ứng dụng video Trung Quốc.
Thương vụ TikTok thành hay bại vẫn trong tay Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Lợi thế quan hệ với chính phủ Mỹ
Cái tên Oracle chỉ được thế giới nhắc nhiều khi tham gia thương vụ TikTok, dù trước đó, tập đoàn này thắng lớn hồi tháng 4 khi trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây cho ứng dụng họp trực tuyến Zoom.
Bộ Tài chính Mỹ vừa cho biết cơ quan này sẽ xem xét thỏa thuận giữa Tập đoàn công nghệ Oracle cùng các doanh nghiệp khác của Mỹ với Công ty công nghệ internet ByteDance (Trung Quốc) về việc sắp xếp lại hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Còn Oracle hôm 14/9 hé lộ việc sắp xếp lại hoạt động tại Mỹ là một phần trong đề xuất được ByteDance - đơn vị sở hữu ứng dụng TikTok - trình lên chính phủ Mỹ để đảm bảo Oracle đóng vai “đối tác công nghệ đáng tin cậy” của ByteDance.
Phía TikTok tin rằng đề xuất mà họ trình lên Bộ Tài chính Mỹ sẽ giúp giải quyết những lo ngại an ninh của chính quyền Washington về ứng dụng này. Tuy nhiên, TikTok vẫn không tiết lộ nội dung chi tiết trong đề xuất.
Xét về năng lực thì việc Oracle đánh bật Microsoft khỏi danh sách đối tác Mỹ tiềm năng trong thương vụ TikTok là điều khá bất ngờ, nhưng dựa vào mối quan hệ tốt đẹp giữa Oracle với chính giới Mỹ thì việc chen chân được vào thỏa thuận TikTok lại là điều dễ hiểu. Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua hối thúc thương vụ TikTok.
Người đứng đầu Nhà Trắng hôm 6/8 ký sắc lệnh hành pháp hạn cho TikTok phải chốt việc bán mảng kinh doanh tại Mỹ cho đối tác Mỹ trước ngày 15/9 hoặc đối diện với nguy cơ đóng cửa tại Mỹ.
Oracle được đánh giá là hãng công nghệ có quan hệ tốt với chính phủ Mỹ mà bằng chứng là hãng này đã hợp tác tốt đẹp với chính phủ Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, trong đó có cơ quan an ninh quốc gia. Trong tuyên bố hôm 14/9, Oracle khẳng định hãng này đã có lịch sử 40 năm cung cấp giải pháp công nghệ an toàn và vượt trội.
Đầu năm 2020, Chủ tịch Oracle, ông Larry Ellison, đã tổ chức gây quỹ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tại quê nhà, còn CEO Safra Catz từng trực tiếp tham gia ê kíp chuyên trách việc di chuyển của ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Đến mùa bầu cử năm 2020, CEO Safra Catz cũng tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump.
Giữa tháng 8/2020, Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ Oracle tham gia thương vụ TikTok. “Tôi cho rằng Oracle là công ty tuyệt vời và tôi nghĩ ông chủ doanh nghiệp này là người rộng lượng. Oracle là doanh nghiệp có thể đảm đương được thỏa thuận”, ông Trump nhận xét khi được hỏi về khả năng Oracle tham gia thương vụ TikTok.
Thương vụ béo bở cho Oracle
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 14/9 xác nhận cơ quan này đã nhận được đề xuất của Oracle đối với hoạt động TikTok tại Mỹ vào cuối tuần trước. Hiện Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính đang xem xét đề xuất này.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị với Tổng thống (ông Donald Trump) và xem xét đề xuất cùng ông ấy”, Bộ trưởng Mnuchin cho biết. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ có quyền bác bỏ đề nghị của Ủy ban Đầu tư nước ngoài để thông qua hoặc hủy bỏ thỏa thuận.
Điểm hấp dẫn trong thương vụ TikTok là việc TikTok cam kết sử dụng dịch vụ điện đoán đám mây của đối tác, theo nguồn tin của Tạp chí Phố Wall. TikTok hiện là thương hiệu toàn cầu, nó phù hợp với nền tảng dữ liệu người dùng mà Chủ tịch Oracle Larry Ellison muốn phát triển để nâng tầm hãng này thành một thế lực đáng gờm trong lĩnh vực điện toán đám mây, một trong những mảng miếng sôi động nhất của ngành công nghệ.
Oracle chủ yếu cung cấp phần mềm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp và còn có khoảng cách lớn so với hai “đế chế” trong lĩnh vực điện toán đám mây như Amazon và Microsoft.
Thị trường Mỹ đang là một trong những miếng bánh béo bở của TikTok khi số lượng người dùng TikTok hàng tháng tại Mỹ đã tăng vọt từ 11 triệu người năm 2018 lên khoảng 100 triệu, chiếm gần 1/7 tổng số người dùng TikTok toàn cầu.
Oracle được cho rằng sẽ hợp tác với TikTok để chuyển dữ liệu người dùng Mỹ lên hạ tầng điện toán đám mây và lưu trữ thông tin tại Oracle. Nếu đúng như vậy, thương vụ TikTok có thể tạo cú hích để hãng công nghệ ở Thung lũng Silicon tăng tốc phát triển mảng kinh doanh dữ liệu vốn im ắng và thậm chí trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Ông Ray Wang, nhà sáng lập Công ty tư vấn Constellation Research tại Thung lũng Silicon, cho rằng cái bắt tay với TikTok sẽ biến Oracle như “hổ mọc thêm cánh”, bởi bản chất TikTok thiên về video và đây là khách hàng nhu cầu đặc biệt cao vì video cần đám mây khổng lồ và ổn định.
“Oracle đang chứng minh rằng hãng này có khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trữ lượng lớn dữ liệu lên đám mây công cộng và đó là hướng đi của hãng này về sau”, ông Wang nói thêm.
Nếu đề xuất của Oracle và ByteDance được chính phủ Mỹ chấp thuận, thương vụ TikTok sẽ đánh dấu thương vụ thứ 2 mà Oracle đạt được với đối tác khi phải cạnh tranh với các đối thủ “nặng ký” ngay giữa dịch Covid-19. Trước đó, Oracle đã trở thành đối tác cung cấp dịch vụ đám mây cho ứng dụng họp trực tuyến Zoom trong tháng 4 khi ứng dụng này cần dung lượng lưu trữ lớn để đáp ứng nhu cầu họp và học trực tuyến tăng vọt thời Covid-19.
Nếu thương vụ TikTok thành công, nỗ lực của Oracle trong cuộc chiến giành thị phần dịch vụ đám mây với Amazon và Microsoft sẽ mang lại quả ngọt. Trước khi trở thành đối tác của TikTok, tăng trưởng mảng dịch vụ đám mây đã giúp lợi nhuận của Oracle trong quý II vượt dự báo của các nhà phân tích Phố Wall. Oracle lý giải, chính mảng kinh doanh của Zoom đã mang lại tăng trưởng bất ngờ cho hãng công nghệ này, trong khi tổng doanh thu tăng rất khiêm tốn.
Không lâu sau Zoom, Oracle đã bổ sung thêm nhà cung cấp dịch vụ họp trực tuyến 8x8 vào danh sách khách hàng sử dụng dịch vụ đám mây và theo lời của Phó chủ tịch cấp cao 8x8 thì hợp tác giữa Oracle và ứng dụng này mang lại hiệu quả, giúp 8x8 cắt giảm đáng kể chi phí.
Khó mua lại thuật toán TikTok
Theo đuổi thương vụ TikTok, Oracle đã hợp tác với 3 công ty khác, gồm: General Atlantic, Sequoia Capital and Coatue Management. Họ đều là những cổ đông lớn và có vị trí nhất định trong Hội đồng quản trị của ByteDance.
Thương vụ TikTok đến nay chưa xuất hiện bất kỳ rủi ro nào. Ngoài việc phải trải qua cuộc kiểm duyệt an ninh quốc gia của Mỹ, thỏa thuận TikTok có thể sẽ được Bắc Kinh xem xét kỹ lưỡng.
Cả Washington và Bắc Kinh đều có những động thái khiến đàm phán thương vụ TikTok bị gián đoạn trong những tuần gần đây. Mới đây nhất là việc Trung Quốc ban hành quy định mới về danh mục hàng hóa công nghệ thuộc diện hạn chế xuất khẩu, trong đó có các thuật toán trí tuệ nhận tạo như TikTok đang sử dụng.
Thương vụ TikTok dù đang nghiêng về phương án Oracle sẽ là “đối tác công nghệ tin cậy” cho TikTok tại Mỹ, nhưng nhiều quan chức và nghị sĩ Mỹ vẫn lo ngại việc cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ khi mà đơn vị này có quan hệ với Trung Quốc.
Trong thư gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ hôm 14/9, thượng nghị sĩ Josh Hawley đề nghị Ủy ban Đầu tư nước ngoài bác bỏ đề xuất hợp tác của Oracle với TikTok. Ông Josh Hawley cho rằng, việc cho phép hợp tác với TikTok là điều hoàn toàn không thể chấp nhận, đi ngược với sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump ban hành ngày 6/8. Mặt khác, thượng nghị sĩ này ủng hộ phương án bán ứng dụng và phần mềm của TikTok cho một doanh nghiệp Mỹ.
Chính quyền Trung Quốc hôm 14/9 một lần nữa phản đối sức ép của Mỹ đối với TikTok. “Họ (Mỹ) đang lạm dụng quyền lực quốc gia với cái cớ an ninh quốc gia để đàn áp và ép buộc các công ty không phải của Mỹ mà đi đầu trong một lĩnh vực cụ thể”, Wang Wenbin, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, ông Wang Wenbin không đề cập đến quan điểm của Bắc Kinh về thỏa thuận giữa TikTok và Oracle.
Nguồn thạo tin thương vụ TikTok của Tạp chí Phố Wall hé lộ, thỏa thuận giữa Oracle và TikTok sẽ không có nội dung mua lại các thuật toán trí tuệ nhân tạo mà TikTok dùng để cá nhân hóa đề xuất video cho người dùng, bởi nó được xem là “quân bài” bí mật nên khó có thể bán cho Mỹ.
Cả Chủ tịch và CEO của Oracle đang “quăng” hãng công nghệ này vào thị trường mạng xã hội vốn cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đầu tháng này, Instagram cho ra mắt Reels, một ứng dụng video có đặc tính tương tự TikTok.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.