Bất động sản

BĐS tuần qua: Nóng quy hoạch sông Hồng, T&T Group khảo sát 3 dự án hơn 550ha

(VNF) - Nóng quy hoạch sông Hồng; Thêm một dự án 873ha của FLC tại Bắc Giang được duyệt nhiệm vụ quy hoạch; Hòa Phát xin làm khu tái định cư 2.000 lô tại khu kinh tế Dung Quất; TMS Group rút lui, T&T nhảy vào dự án khu du lịch hơn 1.570 tỷ ở Cần Thơ... là những thông tin được quan tâm trong tuần.

BĐS tuần qua: Nóng quy hoạch sông Hồng, T&T Group khảo sát 3 dự án hơn 550ha

Quy hoạch sông Hồng: ‘Đã đến lúc đổi mới quyết liệt, không thể quay lưng vào dòng sông nữa’

Quy hoạch sông Hồng: ‘Đã đến lúc đổi mới quyết liệt, không thể quay lưng vào dòng sông nữa’

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng: “Làm thế nào để có thể khai thác được quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, tạo ra không gian xanh, vành đai xanh cho Thủ đô là vấn đề mà chúng ta cần tính tới bây giờ”.

Ông Tùng cho biết thực ra chiều dài sông Hồng chạy qua Hà Nội không nhiều, nhưng thượng nguồn sông nằm ở địa phận Trung Quốc có tới 19 đập, do đó vấn đề phòng chống lũ đang trở thành rào cản với việc phát triển đô thị ven sông.

“Có thể nói, đô thị sông Hồng đã bị kìm hãm quá lâu bởi dòng chảy phương bắc. Đã đến lúc chúng ta đổi mới quyết liệt, không thể quay lưng vào dòng sông nữa”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Tùng khẳng định bằng công nghệ mới, quy hoạch mới, chính sách mới sẽ giải quyết được vấn đề sử dụng quỹ đất, phát triển nhà ở; cần sửa Luật Đê điều để có thể thúc đẩy phát triển, đô thị sông Hồng sẽ là mảnh đất sáng tạo cho các nhà đầu tư.

“Đô thị ven sông Hồng sẽ thu hút những nhà đầu tư thông minh, có tư duy lớn. Song nhà nước, Hà Nội phải dành nguồn lực ban đầu cho đô thị này, đô thị sông Hồng cho thấy sức hút mạnh mẽ hơn cả đô thị vệ tinh với 10 cây cầu được quy hoạch thêm”, ông Tùng chia sẻ. (Xem thêm)

Hòa Phát xin làm khu tái định cư 2.000 lô tại khu kinh tế Dung Quất

Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đề xuất đầu tư khu tái định cư với quy mô khoảng 2.000 lô trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn.

UBND huyện Bình Sơn vừa có phản hồi về đề xuất đầu tư xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất.

Theo UBND huyện Bình Sơn, việc Hòa Phát đầu tư khu tái định cư là cần thiết và có tầm nhìn lâu dài. Tuy nhiên hiện nay, tại địa bàn khu kinh tế Dung Quất còn rất nhiều lô đất trong các khu tái định cư do nhà nước đầu tư xây dựng, đã hoàn thành đủ điều kiện cấp tái định cư.

Đặc biệt mới đây, tỉnh Quảng Ngãi thống nhất huyện Bình Sơn xây dựng khu tái định cư Vạn Tường tại xã Bình Hải để phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư trong khu kinh tế Dung Quất, trong đó có các dự án của Hòa Phát.

Do đó, để tránh tình trạng lãng phí đất, UBND huyện Bình Sơn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất liên quan đến việc rà soát, đề xuất sửa chữa, cải tạo và đầu tư xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất, trình cấp có thẩm quyền quyết định. (Xem thêm)

Bắc Giang: Thêm một dự án 873ha của FLC được duyệt nhiệm vụ quy hoạch

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu đô thị, du lịch sinh thái thể thao Khuôn Thần tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn (tỷ lệ 1/500). Đây là dự án được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cam kết đầu tư.

Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 873ha. Quy mô dân số phân bố trên toàn bộ khu vực lập quy hoạch gồm dân số thường trú (cho khu vực đô thị) từ 10.000 - 13.000 người; khách lưu trú từ 2.500 - 3.200 khách.

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc xã Kiên Lao, nằm phía Tây Bắc của huyện Lục Ngạn. Ranh giới lập quy hoạch được giới hạn phía Bắc giáp đất rừng phòng hộ; phía Nam giáp đất rừng sản xuất và khu dân cư xã Kiên Lao; phía Tây giáp đất rừng phòng hộ; phía Đông giáp đất rừng sản xuất. (Xem thêm)

TMS Group rút lui, T&T nhảy vào dự án khu du lịch hơn 1.570 tỷ ở Cần Thơ

UBND TP. Cần Thơ vừa chấp thuận cho Tập đoàn T&T thực hiện khảo sát, nghiên cứu, đề xuất đầu tư 3 dự án tại quận Bình Thủy và huyện Phong Điền.

3 dự án này gồm: dự án khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt (khu 3 - quy mô khoảng 219ha) tại phường Bình Thủy và phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

Dự án thứ hai là Thành phố khoa học ứng dụng công nghệ cao Cù Lao Phong Điền (quy mô khoảng 260ha) tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Dự án thứ ba là đầu tư phát triển khu vực Cồn Sơn (quy mô khoảng 75ha) tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.

Đáng chú ý, trong số 3 dự án mà Tập đoàn T&T đang đề xuất đầu tư có dự án đầu tư phát triển khu vực Cồn Sơn vừa bị UBND TP. Cần Thơ thu hồi chủ trương đầu tư từ TMS Group.

Theo tìm hiểu, hồi tháng 4/2019, UBND TP. Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu du lịch Cồn Sơn tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy do TMS Group làm chủ đầu tư. Lý do thu hồi là do nhà đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo điểm a, khoản 1, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020. (Xem thêm)

CEO Đất Xanh Miền Bắc chỉ ra 5 yếu tố chi phối bức tranh ngành bất động sản hậu Covid

Ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc nói rằng sự phát triển của các phân khúc bất động sản thời gian tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính.

Thứ nhất là kinh tế vĩ mô. Theo ông Quyết, đây là yếu tố luôn luôn có sự ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến thị trường. Trong quá khứ, những đợt suy thoái thị trường bất động sản trên thế giới đều gắn liền với suy thoái kinh tế vĩ mô.

Riêng tại Việt Nam, từ năm 2015, bất động sản có sự tăng trưởng trở lại nhờ kinh tế vĩ mô tăng trưởng. Cụ thể, tăng trưởng GDP giai đoạn 2015-2020, trung bình đạt 6,5-7%/năm; năm 2020 tăng trưởng 6,5-7,3%; năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch nhưng Việt Nam vẫn là một trong ba nền kinh tế có tăng trưởng trong đại dịch.

Cùng với đó, lãi suất ổn định, nền kinh tế vận hành tốt cũng là yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến bất động sản. Theo ông Quyết, khi đầu tư bất động sản, nhà đầu tư thường kỳ vọng lợi nhuận sẽ cao hơn lãi suất gửi ngân hàng. Khi lãi suất gửi ngân hàng giảm còn 4,5-5%, nhà đầu tư sẽ cân nhắc. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu bất động sản. Lãi suất ngân hàng thấp, nhu cầu đầu tư bất động sản sẽ cao.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định trong những năm qua, kể cả trong đại dịch cũng ảnh hưởng trực tiếp đến bất động sản vì hai thị trường này luôn song hành.

“Dựa trên những yếu tố này, chúng ta hoàn toàn tự tin vào thị trường bất động sản trong thời gian tới”, ông Quyết nhận định.

Thứ hai là thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Ông Quyết cho biết trong 5 năm qua, vốn FDI vào Việt Nam rất tốt thậm chí kể cả năm 2020, khi thế giới đang đối mặt với dịch bệnh, Việt Nam vẫn thu hút 28 tỷ USD vốn đăng ký và vốn giải ngân, với hơn 300 doanh nghiệp đầu tư tiếp và đầu tư mới.

Sang năm 2021, sóng FDI vào Việt Nam cũng rất lớn. Cùng với đó, việc Chính phủ có những biện pháp “dọn tổ cho đại bàng” đã kéo theo nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Bức tranh này thể hiện rõ nhất ở khu vực phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Thứ ba là tăng trưởng du lịch. Trong vòng 20 năm qua, ông Quyết nhìn nhận lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Năm 2019, khi chưa có dịch bệnh, Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách nước ngoài, khách nội địa cũng rất lớn. Tất cả những dịch vụ ăn theo của ngành du lịch giúp cho bất động sản du lịch hưởng lợi lớn.

Còn sang năm 2020, bất động sản du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng ông Quyết cho rằng phân khúc này sẽ tiếp tục phát triển và luôn là kênh đầu tư an toàn... (Xem thêm)

‘Quy hoạch sông Hồng nhiều lần thất bại do không giải được bài toán hành lang thoát lũ’

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết đã có rất nhiều đề xuất quy hoạch sông Hồng nhưng các quy hoạch này không thành công, chủ yếu do chưa giải được bài toán về hành lang thoát lũ.

Quy hoạch lần này đưa sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô. Mặt khác, quy hoạch hiện tại cũng xác định giải phóng mặt bằng, thực hiện làm 2 tuyến đường, mỗi tuyến 6 làn xe dọc hai bờ sông Hồng, các hạng mục công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí, phát triển du lịch…

Về vấn đề dòng chảy, ông Chính thông tin tháng 2/2016, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và bảo vệ đê điều của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quy hoạch lần này. Đặc biệt sẽ không có các công trình nhà cao tầng, mà đây là trục cảnh quan, cây xanh, mặt nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Để thực hiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng cần có cơ chế đặc thù đặc biệt để thực hiện quy hoạch, vì đó là bộ mặt của cả nước. Quy hoạch lần này sẽ kết nối 12 cây cầu từ cầu Mễ Sở đến cầu Hồng Hà, kết nối với các đường vành đai, đường xuyên tâm.

Theo ông Chính, hiện nay, tình trạng xây dựng nhếch nhác, nhà tự phát khiến bộ mặt đô thị Hà Nội nhìn từ sông Hồng trông rất xấu xí. Trong khi đó ở những thành phố có sông chảy qua, bao giờ con sông cũng làm nên điểm nhấn đô thị, thành điểm đến nổi tiếng trên thế giới. Do đó, cần một quy hoạch thật tốt để nơi đây thực sự là con sông của đô thị.

Việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến sẽ có thể được phê duyệt vào cuối 2021, ông Chính nhấn mạnh sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô. (Xem thêm)

Tin mới lên