Bị áp trần giá dầu, Nga nói ‘chẳng có gì ghê gớm’

Minh Đăng - 06/12/2022 20:04 (GMT+7)

(VNF) - Phó thủ tướng Nga Aleksandr Novak thừa nhận việc châu Âu áp giá trần dầu Nga và tung ra các đòn trừng phạt mới sẽ tác động tới các cơ chế hậu cần và mạng lưới logistic. Tuy nhiên, ông Novak cho rằng “điều này chẳng có gì là ghê gớm”.

VNF
Phó thủ tướng Nga Aleksandr Novak.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 6/12, ông Novak cho hay: "Tất nhiên, sự can thiệp như vậy vào các công cụ thị trường sẽ ảnh hưởng đến công việc của các doanh nghiệp Nga, việc bán sản phẩm của chúng tôi trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng nhu cầu trên thị trường thế giới đối với dầu Nga vẫn cao, sẽ có người mua".

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho thị trường năng lượng thế giới.

"Xét tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu đang gia tăng, chúng tôi thấy rằng sự tăng trưởng của các nền kinh tế thế giới phải được đảm bảo bằng các nguồn tài nguyên. Dầu trên thế giới không có nhiều, nhu cầu đối với dầu của Nga sẽ có. Đúng, các cơ chế hậu cần và mạng lưới logistic sẽ thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy điều này có gì là ghê gớm", Phó thủ tướng Nga nhấn mạnh thêm.

Ông Novak đồng thời nhấn mạnh rằng Nga không loại trừ rằng trong trường hợp cần thiết có thể xuất hiện tình huống khiến nước này phải giảm khai thác dầu, vì tình hình hiện nay không rõ ràng và ổn định.

“Tôi không cho rằng sẽ giảm lượng lớn khai thác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không loại trừ sẽ phải giảm mạnh sản lượng khai thác, mặc dù chúng tôi đang làm mọi thứ để đảm bảo rằng tình hình ổn định và doanh số bán dầu vẫn giữ ở mức mà chúng tôi đạt được vào năm 2022”, ông Novak nói.

Ở động thái liên quan, trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng Nga sẽ có biện pháp đáp trả EU và G7 và Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ giá trần nào.

Thậm chí, theo nguồn tin của Bloomberg, Moscow đã bắt đầu soạn thảo một nghị định nhằm cấm bán dầu cho các quốc gia tuân theo trần giá.

Mặc dù việc cắt giảm sản lượng sẽ làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga, nhưng tác động của nó trong ngắn hạn có thể sẽ bị hạn chế do dầu của Nga hiện đang giao dịch ở mức 64 USD/thùng, chỉ cao hơn 4 USD so với giá trần.

Hơn nữa, những người chỉ trích trần giá lập luận rằng nếu Nga không cung cấp dầu cho các quốc gia tham gia trừng phạt, biện pháp này cuối cùng sẽ trở thành “gậy ông đập lưng ông” vì sẽ khiến người tiêu dùng ở các quốc gia này phải giao dịch dầu với mức giá cao hơn”.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau khi EU, G7 và Australia đã đưa ra thông báo giới hạn giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. Họ sẽ từ chối xử lý dầu của Nga với mức giá trên 60 USD/thùng.

Xem thêm >> ‘Ông lớn’ Tesla, Apple cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác