Tài chính quốc tế

Bị áp trần giá dầu, Nga sắp tung đòn trả đũa

(VNF) - Nga đang hoàn thiện các bước cuối cùng để tung ra sắc lệnh đáp trả việc Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp giá trần với dầu mỏ của nước này, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Bị áp trần giá dầu, Nga sắp tung đòn trả đũa

Tổng thống Nga Vlarimir Putin.

Cụ thể, trong tuyên bố đưa ra ngày 16/12, ông Peskov cho hay Moscow đang thảo luận và hoàn thiện các biện pháp trả đũa tương xứng đối với việc các nước phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tung sắc lệnh này trong những ngày tới.

Theo truyền thông Nga, sắc lệnh sẽ có hiệu lực đến tháng 7/2023, và sẽ không ảnh hưởng đến các hợp đồng ký trước ngày 5/12.

Trước đó, theo lệnh áp giá trần dầu Nga mới nhất do EU và G7 đưa ra, G7 và các đồng minh sẽ không cho phép tàu chở dầu thô của Nga được hưởng các dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển, trừ khi giá bán dầu thô của Nga thấp hơn mức giá trần do EU và G7 đưa ra, ở mức 60 USD/thùng, hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.

Bởi vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới hầu hết có trụ sở tại các nước G7, mức trần này có thể khiến Moscow khó bán dầu với giá cao hơn.

Trước sức ép từ phía phương Tây nhằm đánh vào doanh thu từ mặt hàng quan trọng hàng đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia tuân theo mức giá trần này.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thì dự đoán rằng việc giá trần sẽ “làm mất ổn định” thị trường toàn cầu và lập luận rằng nó mâu thuẫn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông tuyên bố rằng Nga đang sẵn sàng cắt giảm khai thác dầu nếu cần thiết đáp lại việc áp dụng trần giá và sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu vốn đã căng thẳng.

Báo cáo Thị trường dầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế cũng dự đoán trần giá sẽ ảnh hưởng đến khai thác dầu Nga, sẽ giảm khoảng 1.4 triệu thùng mỗi ngày vào năm sau. Theo đó, sản lượng dầu của Nga trong năm nay ước tính đạt 530 triệu tấn và sẽ giảm xuống 490 triệu tấn vào năm 2023.

Theo Bloomberg, ngoại trừ một lượng nhỏ dầu vẫn được chuyển tới Bulgaria, các nguồn cung dầu của Nga tới khối này đều đã ngừng lại.

Thay vào đó, dầu thô Nga đã chuyển hướng sang châu Á trên một đội tàu đang chạy vòng quanh lục địa, qua kênh đào Suez để chuyển hàng tới Ấn Độ và Trung Quốc.

Dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg cho hay Nga đã vận chuyển hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày đến châu Á trong tuần tính tới ngày 9/12, chiếm gần 90% tổng lượng dầu thô được Nga vận chuyển bằng đường biển trong cùng giai đoạn.

Xem thêm >> Bị quan chức châu Âu hối thúc trừng phạt Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nói 'không đủ trình độ'

Tin mới lên