Thị trường

Biến động lao động: Bài toán cần lời giải trên thị trường nguồn nhân lực

(VNF) - Thị trường lao động TP. HCM dự báo tiếp tục có những thách thức, thay đổi cả về nhu cầu tuyển dụng lẫn cơ cấu nguồn nhân lực dù theo tính toán trước đó, trong 6 tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp cần khoảng 155.000 - 165.000 lao động.

Biến động lao động: Bài toán cần lời giải trên thị trường nguồn nhân lực

Chuyển dịch lao động đang đòi hỏi doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới (Ảnh minh họa)

Sức ép biến động lao động

Khảo sát thị trường lao động vào tháng 4/2023 với hơn 1.000 công nhân ở TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai của VCCI chi nhánh TP. HCM và Tổ chức di dân quốc tế IOM cho thấy: 15,5% người lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% người lưỡng lự và 39,9% người chưa có dự định. Lý do lớn nhất người lao động chọn về quê để gần gia đình, thu nhập khi làm việc ở thành phố không đủ trang trải cuộc sống.

TS. Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP. HCM nhận định, khi “đầu tàu” kinh tế của cả nước đối mặt với nhiều thách thức như: biến động tỷ giá, lãi suất cho vay, kiểm soát tín dụng, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất… thì sẽ buộc nhiều nơi phải cắt giảm nhân lực, cung cầu mất cân đối khiến thị trường lao động biến động mạnh.

Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP. HCM, thực tế biến động lao động trong các doanh nghiệp rất lớn, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Bình quân, doanh nghiệp tuyển mới 3 lao động thì có 2 lao động đang làm việc trước đó di chuyển đến nơi khác, tỷ lệ biến động lao động bình quân 40 - 50%.

Đơn cử, biến động lao động tại các đơn vị sản xuất thuộc ngành may rất cao, bình quân 20%/năm. Đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước có những đơn vị biến động lao động 50 - 60%/năm. Tỷ lệ lao động thôi việc, bỏ việc, chuyển chỗ làm việc và tỷ lệ tuyển dụng lao động mới cũng rất cao bình quân 18-20%/năm/doanh nghiệp.

Việc chuyển dịch này có thể sẽ dẫn đến nhiều người lao động phải chuyển sang công việc khác như lao động đang làm ngành dệt, may, da giày và một số ngành gia công chế biến. Quá trình chuyển dịch này sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp tại thành phố luôn trong tình trạng thừa, thiếu nhân lực, chưa ổn định cân đối về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo cung - cầu.

“Việc dịch chuyển nhanh chóng cơ cấu đầu tư đã đặt ra yêu cầu về nhân lực thay đổi, đòi hỏi cơ cấu nhân lực mới, trong khi đó cung lao động chưa chuyển dịch kịp thời. Các doanh nghiệp tại Thành phố hiện tại và trong tương lai sẽ có nhu cầu thu hút hàng chục ngàn lao động có tay nghề kỹ thuật. Chưa kể các doanh nghiệp mới thành lập hoặc đang phát triển cũng cần tuyển một lượng lao động rất lớn. Thị trường lao động tại các đô thị hiện nay và những năm tới có sự chuyển động cả về chất và lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới”, ông Tuấn chia sẻ.

Được biết, nhu cầu nhân lực của các đơn vị, doanh nghiệp tại Thành phố tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, như: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm... chiếm 21,97% và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 54,77%. Nhu cầu nhân lực lao động đã qua đào tạo chiếm 86,13% tổng nhu cầu nhân lực.

Nâng cao chất lượng lao động thành thị

Tác động tiêu cực của tình hình thế giới hiện nay khiến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm sút. Cùng với đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động tới nhiều ngành nghề, làm thay đổi cả về cơ cấu cũng như thị trường lao động.

thị trường lao động
Nhiều lao động về quê ổn định cuộc sống với làng nghề truyền thống (Ảnh minh họa)

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, trong vòng hai thập niên tới, khoảng 56% lao động tại năm quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc do tự động hóa trong các khâu, công đoạn sản xuất.

Một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, song cũng có những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề, kỹ năng phù hợp. Thực tế này đòi hỏi công tác đào tạo nghề, cung ứng nhân lực chất lượng tiếp tục có bước chuyển, đổi mới hoạt động hướng nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo ông Trần Anh Tuấn, việc nâng cao trình độ, chuyên môn kỹ thuật cho người lao động để bảo đảm quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động là yêu cầu cấp bách trước mắt cũng như lâu dài, mang tính “đột phá” trong chiến lược của Thành phố. Yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân thì cho rằng, đất nước đang có những đổi mới về chính sách, đổi mới những yếu tố liên quan đến cuộc sống. Và thời gian qua, công nghệ 4.0 rất tiên tiến đã hỗ trợ cho những dịch vụ tiện ích phục vụ cuộc sống người dân. Khoa học công nghệ thúc đẩy việc mua bán, trao đổi hàng hóa giữa người dân với nhau. Bởi vậy, những người lao động giản đơn thiếu trình độ tay nghề có nguy cơ mất việc là rất cao.

Mặt khác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc sống ngày càng phát triển là điều không bàn cãi và lực lượng lao động truyền thống ở các thành phố lớn chắc chắn dễ dần bị thay thế và hạn chế.

TS Nhân dẫn chứng, hơn 10 năm trước, sinh viên từ các vùng nông thôn lên thành thị đa phần đều phải đi thuê phòng trọ ở các khu dân cư. Ngày nay, các khu ký túc xá hiện đại lần lượt được mọc lên, hình ảnh sinh viên ở các dãy phòng trọ gọi những người bán dạo để mua hàng tiêu dùng đã không còn. Công cụ mua hàng thông minh trực tuyến đã thay thế lực lượng lao động bán dạo, thậm chí gián tiếp đào thải cả công nhân tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Nguyên do là sản phẩm chất lượng cao từ doanh nghiệp lớn đã có điều kiện tiếp cận trực tiếp đại đa số người tiêu dùng, cạnh tranh về giá khi ứng dụng công nghệ làm giảm chi phí.

Vậy, làm thế nào để giải bài toán an sinh, tạo việc làm cho những lao động không có khả năng nâng cao tay nghề? Đó là, cần tạo công ăn việc làm cho những người lao động muốn quay trở về quê hương. Các tỉnh thành trên cả nước đều có các khu du lịch, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đặc thù sẽ phù hợp về trình độ, đáp ứng được khả năng làm việc.

Song song đó, địa phương cần đào tạo lao động có tay nghề. Nói đào tạo nghề ở đây không phải để làm ở những xưởng may lớn hay các nhà máy sản xuất công nghiệp mà là những làng nghề thủ công. Ví dụ, tại Bến Tre có những sản phẩm từ dừa, hoặc ở Đồng Tháp có những sản phẩm làm từ cỏ lau để cho ra thành phẩm là chiếu…

Có thể nói, nhu cầu đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực là rất lớn tại TP. HCM. Lực lượng lao động cần được chú trọng tập trung đào tạo và tái đào tạo để cải thiện khả năng đáp ứng, thay thế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp. Ngoài ra, cũng cần có sự phối hợp với các địa phương thiết lập những chính sách thiết thực cho người lao động về quê có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Tin mới lên