Big 4 nhập cuộc, đường đua lãi suất thêm 'nóng'

Minh Dũng - 14/08/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Sau thời gian dài đứng im nhìn các ngân hàng cổ phần tư nhân đua nhau tăng lãi suất huy động, gần đây, nhóm Big 4 đã nhập cuộc. Sự tham gia của nhóm Big 4 khiến cuộc đua lãi suất sẽ càng nóng hơn.

Big 4 rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm

Xu hướng tăng lãi suất huy động đang ngày càng mở rộng hơn. Lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng từ đầu quý II đến nay.

Hiện lãi suất huy động ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Còn với kỳ hạn từ 6 - 12 tháng dao động từ 4 - 5%/năm; dưới 6 tháng từ 2 - 4%/năm.

Hầu hết ngân hàng tư nhân đều đã tăng lãi suất tiền gửi. Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, VietinBank, BIDV, Agribank cũng đã có điều chỉnh tăng trong những ngày gần đây, chỉ còn Vietcombank vẫn giữ nguyên.

Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 8, lãi suất tiết kiệm của Agribank đã chính thức điều chỉnh tăng sau gần 2 năm giữ nguyên. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng tăng thêm 0,1%/năm, lên mức 1,7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng cũng tăng 0,1%/năm, lên mức 2,0%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên được nâng từ mức 4,7%/năm lên mức 4,8%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng quốc doanh áp dụng, ngang bằng với VietinBank.

Trong khi Agribank tăng lãi suất tiền gửi tại quầy thì BIDV nâng lãi suất tiết kiệm trực tuyến (online). Cụ thể, lãi suất tại các kỳ hạn từ 1-11 tháng đối với tiền gửi trực tuyến của BIDV cao hơn từ 0,1-0,3 điểm % so với tiền gửi tại quầy. BIDV cũng nâng lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng lên 4,9%/năm, cao hơn 0,2 điểm % so với biểu lãi suất tại quầy.

Trước đó, vào cuối tháng 6, VietinBank cộng thêm lãi suất tiết kiệm cho khách hàng gửi tiết kiệm online trên ứng dụng ngân hàng, tại một số kỳ hạn, lãi suất được cộng thêm 0,2-0,3%/năm.

Hiện nay, với kỳ hạn 24 tháng lãi suất tại quầy Agribank và VietinBank đang là 4,8%/năm, còn Vietcombank là 4,7%/năm. Lãi suất tiền gửi trực tuyến có thể cao hơn một chút so với lãi suất tại quầy, tùy chính sách của từng ngân hàng, theo từng thời kỳ.

Còn nhóm ngân hàng cổ phần đã đồng loạt nâng lãi suất huy động từ quý II. Xu hướng tăng lãi suất huy động đã diễn ra rất sôi động tại các ngân hàng cổ phần trong ba tháng trở lại đây.

Kể từ đầu tháng 8 tới nay, đã 12 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Đơn cử, Eximbank nâng lãi suất huy động với mức tăng cao nhất 0,4%/năm; Saigonbank cũng tăng lãi suất thêm 0,3%/năm; HDBank, CBBank, VIB, Dong A Bank, Viet Bank, TPBank, VPBank... điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm với mức tăng trung bình 0,2-0,4%/năm.

Đáng chú ý, Sacombank đã 2 lần tăng mạnh lãi suất huy động. Lần điều chỉnh đầu tiên vào 1/8 với mức tăng 0,3%/năm tại tất cả kỳ hạn. Đến ngày 5/8, nhà băng này tiếp tục tăng lãi suất với mức tăng cao nhất tới 0,4%/năm. Lãi suất huy động cao nhất tại Sacombank thuộc về kỳ hạn 24-36 tháng, ở mức 5,7%/năm.

Trong ngày 12/8, biểu lãi suất tiết kiệm của Techcombank cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, đối với gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng tăng từ 2,75-3,2%/năm lên 2,95-3,4%/năm. Techcombank giữ nguyên lãi suất tại các kỳ hạn còn lại.

Hiện mức lãi suất cao nhất trên thị trường là 6,1%/năm. Đây là mức lãi suất dành cho khoản tiền gửi thông thường, được CBBank, VRB và OceanBank áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và SaigonBank áp dụng cho 36 tháng.

Mức lãi suất từ 5% trở lên gần như phủ kín kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng. Đến nay, chỉ còn rất ít ngân hàng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng dưới 5%/năm.

Big 4 dẫn đầu về thu hút tiền gửi tiết kiệm

Dù đã được điều chỉnh tăng trong thời gian qua nhưng lãi suất huy động vẫn ở mặt bằng thấp của nhiều năm. Tuy lãi suất chưa cao nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng.

Số liệu được đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 6 ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.

Trước đó, trong tháng 1, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm. Nhưng tình trạng này dần được cải thiện theo tốc độ tăng của lãi suất huy động. Nếu như tháng 2, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng 1,6% thì tháng 5 đã tăng lên mức 2,8%.

Báo cáo tài chính quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 của các ngân hàng cũng cho thấy, tiền gửi từ người dân vẫn tiếp tục gia tăng.

6 tháng đầu năm, các ngân hàng đã huy động khách hàng (bao gồm các tổ chức kinh tế và khu vực dân cư) 12,309 triệu tỷ đồng. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước dẫn đầu thị trường về huy động vốn.

Tổng lượng tiền gửi của nhóm Big 4 tính đến 30/6 đạt 6,36 triệu tỷ đồng. Tổng lượng vốn huy động của nhóm này chiếm 52% tổng dư nợ cho vay và huy động của cả 30 ngân hàng cộng lại.

Cụ thể, đến cuối tháng 6/2024, Agribank đang có hơn 1,83 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng thêm khoảng 17.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,9% so với cuối năm 2023. BIDV có tổng lượng tiền gửi đạt gần 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 102.300 tỷ đồng, tương ứng tăng 6% so với cuối năm 2023. Tại VietinBank, số dư tiền gửi đến hết tháng 6 đạt gần 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 4%, tương ứng tăng 56.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Chỉ có Vietcombank có tổng tiền gửi giảm 1,5% so với cuối năm 2023, đạt 1,37 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh nói trên lại thuộc nhóm trả lãi suất huy động thấp nhất thị trường hiện nay.

Theo dự báo của nhiều đơn vị nghiên cứu, lãi suất tiết kiệm có xu hướng gia tăng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng, doanh nghiệp cần vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh nên cầu vốn trong nền kinh tế sẽ tăng cao. Khi đó, các ngân hàng tăng cường huy động vốn và phải neo lãi suất ở mức hợp lý, đủ hấp dẫn để hút vốn. Nếu lãi suất tiền gửi tăng, nhà đầu tư sẽ cân nhắc quay lại kênh tiền gửi tiết kiệm bởi vừa an toàn mà đảm bảo sinh lời ở mức tốt, trong khi các kênh đầu tư khác rủi ro cao hơn, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức, hiểu biết.

Trong báo cáo phân tích gần đây, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2-5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Trong khi đó, trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết áp lực tỷ giá hiện hữu có thể khiến lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng, đảm bảo sức hấp dẫn nắm giữ VND.

Nhưng mức tăng được kỳ vọng không quá lớn và chưa tạo ra cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng khi niềm tin tiêu dùng đang dần hồi phục, hấp thụ tín dụng vào nền kinh tế chậm rãi. VCBS dự báo lãi suất có thể tăng khoảng 50-100 điểm trong cả năm 2024 khi niềm tin tiêu dùng đang dần hồi phục.

Lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu tăng, khách hàng lo lắng cú tăng 'sốc'

Lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu tăng, khách hàng lo lắng cú tăng 'sốc'

Ngân hàng
(VNF) - Lãi suất cho vay mua nhà từ cố định đến thả nổi đang rục rịch đi lên. Việc này khiến nhiều người nhất là những khách hàng đang có hợp đồng vay mua nhà lo lắng, bất an.
Cùng chuyên mục
Tin khác