Tài chính quốc tế

Big Tech ‘la ó’ vì đạo luật mới của EU, Nhà Trắng ‘từ chối giải cứu'

(VNF) - Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) mang tính bước ngoặt của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ ngày 6/3, yêu cầu những thay đổi đáng kể ở năm gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

EU "rắn tay"

Theo đạo luật mới được phê duyệt, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu sáu công ty công nghệ phải thực hiện những thay đổi đáng kể đối với dịch vụ của họ ở 27 nước thành viên của khối này.

EU quyết tâm ngăn cản quyền lực của các Big Tech.

Nhà kinh tế học Fiona Scott Morton của Yale, người được bổ nhiệm làm nhà kinh tế trưởng về cạnh tranh của Ủy ban châu Âu vào năm ngoái, cho biết: “Đây là cơ quan tài phán lớn đầu tiên thử điều chỉnh các nền tảng kỹ thuật số”.

Điều khiến ngành công nghiệp Mỹ phẫn nộ là năm trong số sáu công ty tuân theo quy định của DMA có trụ sở chính tại Mỹ, bao gồm Amazon, Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta (công ty mẹ của Facebook). Chỉ có một công ty có trụ sở tại Trung Quốc là ByteDance (công ty mẹ của TikTok).

Các quan chức EU cho biết họ đã áp dụng các tiêu chí trung lập để xác định công ty nào đủ quyền lực để được coi là “người gác cổng” trên Internet, danh hiệu mà luật gán cho các thực thể mà luật này quản lý.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết các cơ quan quản lý sẽ hành động nhanh chóng nếu các công ty vi phạm DMA, với mức phạt lên tới 20% doanh thu toàn cầu của công ty đối với những công ty vi phạm nhiều lần.

“Chúng tôi sẵn sàng thực hiện hành động thực thi mang tính quyết định bằng cách sử dụng hộp công cụ đầy đủ có sẵn theo DMA”, người phát ngôn cho hay, đồng thời cho biết thêm rằng mọi trường hợp không tuân thủ sẽ được giải quyết trong vòng một năm.

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường từ lâu đã bị coi là bất hợp pháp ở cả Mỹ và EU.

Ủy ban châu Âu đầu tuần qua đã phạt Apple gần 2 tỷ USD trong một cuộc điều tra chống độc quyền riêng biệt đối với các vấn đề do dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify nêu ra.

Nhưng DMA được cho là mạnh tay hơn nhiều khi cấm “những người gác cổng” ngăn cản các đối thủ nhỏ hơn xây dựng các ứng dụng trên cơ sở bình đẳng, gây khó khăn cho người dùng khi chuyển đổi dịch vụ hoặc tích lũy dữ liệu cá nhân trên nhiều dịch vụ mà không được sự cho phép của người dùng.

Những điều khoản cứng rắn hơn đó đang gây khó khăn cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, những người lo ngại rằng các điều khoản yêu cầu quyền truy cập vào các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba có thể làm tăng các lỗ hổng an ninh mạng.

Mỹ “thờ ơ”

Khi các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu chuẩn bị thực thi luật đạo luật này, các lá thư đã đổ về Nhà Trắng. Một nhóm các hiệp hội ngành đã than phiền với chính quyền ông rằng châu Âu đã sử dụng “lời lừa dối” để “gây khó khăn cho các công ty Mỹ”.

Một nhóm thành viên Quốc hội cũng đã than phiền về EU, họ nói rằng luật này được coi là “sự phân biệt đối xử trên thực tế đối với các công ty và người lao động Mỹ” và cảnh báo rằng luật này sẽ nhường bước cho Trung Quốc và Nga.

Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết chính quyền ông Biden đã gửi hai lá thư phản đối chính thức tới Brussels nêu lên mối lo ngại, nhưng họ không thúc đẩy vấn đề này nữa.

Ngoài ra, tình hình chiến sự ở Ukraine, thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc và một loạt vấn đề khác là điều mà các quan chức chính quyền Biden cần có sự hợp tác của châu Âu. Các chuyên gia cho rằng họ sẽ không làm chệch hướng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương về Big Tech.

Tại Mỹ, một số nhà lập pháp đã nỗ lực thông qua một đạo luật tương tự như DMA, nhưng cho đến nay họ vẫn không thành công, với quy định chống độc quyền ở đây bị hoài nghi nhiều hơn ở châu Âu.

Quốc hội đang xem xét giảm 45 triệu USD ngân sách được yêu cầu cho bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp, nơi có hai vụ kiện chống độc quyền chống lại Google và một cuộc điều tra về Apple đang được tiến hành.

Xem thêm >> EU 'nắn gân' Big Tech, phạt Apple 2 tỷ USD

Tin mới lên