Đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sửa chữa những gì? Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) có kích thước 3.200x45m và đường cất hạ cánh 11R/29L (1B) có kích thước 3.800mx45m. Xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7) và xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ. Về mặt cắt ngang, giải bay, được xây dựng phù hợp với sân bay cấp 4E, có bề rộng 45m, 02 lề vật liệu rộng 7,5m, 02 dải san gạt rộng 45m. Tổng chiều rộng là 150m. Dải lăn được xây dựng phù hợp với máy bay Code E, bề rộng 23m, 2 lề vật liệu rộng 10,5m, 2 dải san gạt rộng 21,5m. Tổng chiều rộng là 87m. Về kết cấu, hệ thống đường cất hạ cánh được xây dựng tăng cường bằng 01 lớp bê tông xi măng cốt thép M350/45 dày tối thiểu 38cm trên lớp mặt đường hiện hữu sau khi đã được cào bóc lớp bê tông nhựa và sửa chữa mặt đường bê tông xi măng Hệ thống đường lăn: Khu vực làm mới gồm lớp bê tông xi măng cốt thép M350/45 dày 40cm trên lớp Bê tông xi măng M150/25. Khu vực tăng cường bằng 1 lớp bê tông xi măng cốt thép M350/45 dày tối thiểu 38cm trên mặt bê tông xi măng hiện hữu. Lề đường cất hạ cánh, đường lăn gồm 2 lớp bê tông nhựa dày 14cm trên lớp cấp phối đá dăm loại 1 đầm chặt K98. Về công trình cung cấp điện, xây dựng mở rộng Nhà trạm nguồn SS2, SS4, và thay thế bổ sung các thiết bị phục vụ cấp nguồn cho hệ thống thiết bị. Về hệ thống đèn hiệu, đầu tư lắp đặt hệ thống đèn hiệu cấu hình CAT II đầu 11R, giản đơn đầu 29L (đường cất hạ cánh 1B); cấu hình tiếp cận CAT II đầu 11L, giản đơn đầu 29R (đường cất hạ cánh 1A). Lắp đặt mới hệ thống đèn hiệu tại đường lăn. Về hệ thống điều khiển, cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển hiện hữu đảm bảo kết nối phù hợp giữa phần thiết bị hiện hữu và thiết bị lắp đặt mới. Về hệ thống hạ cánh bằng thiết bị (ILS) đầu tư mới 3 hệ thống ILS để khai thác CAT II tại đầu 11L, 11R và 29R. Tổng mức đầu tư của Dự án là 2.031 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.449 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thi công theo 2 bước gồm, bước 1 là 6 tháng, đảm bảo khai thác được 3.200m đường cất hạ cánh 1B cho máy bay Code C nhằm phục vụ Tết nguyên đán năm 2021. Bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước tết nguyên đán năm 2022. Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ. Về mặt cắt ngang, dải bay: được xây dựng phù hợp với sân bay cấp 4E, có bề rộng 45,72m, 02 lề vật liệu rộng 7,5m, 02 dải san gạt rộng 45m. Tổng chiều rộng là 150,7m. Dải lăn được xây dựng phù hợp với máy bay Code E, bề rộng 23m, 02 lề vật liệu rộng 10,5m, 02 dải san gạt rộng 21,5m. Tổng chiều rộng là 87m. Về kết cấu, hệ thống đường cất hạ cánh được xây dựng tăng cường bằng 01 lớp bê tông xi măng cốt thép M350/45 dày tối thiểu 38cm trên lớp mặt đường hiện hữu sau khi đã được cào bóc lớp bê tông nhựa và sửa chữa mặt đường bê tông xi măng. Hệ thống đường lăn, khu vực làm mới gồm lớp bê tông xi măng lưới thép M350/45 dày 40cm trên lớp Bê tông xi măng M150/25. Khu vực tăng cường bằng 1 lớp bê tông xi măng cốt thép M350/45 dày tối thiểu 38cm trên mặt bê tông xi măng hiện hữu. Lề đường cất hạ cánh, đường lăn, khu vực làm mới gồm 2 lớp bê tông nhựa dày 14cm trên lớp cấp phối đá dăm loại 1. Khu vực nâng cấp kết cấu mặt bê tông nhựa trung bình 15cm trên lề đường hiện hữu. Về công trình cung cấp điện, xây dựng mới trạm nguồn đầu 7 thay thế trạm nguồn hiện hữu. Về hệ thống đèn hiệu sẽ đầu tư lắp đặt hệ thống đèn tiếp cận giản đơn đầu 07L, hệ thống đèn tiếp cận tương đương CAT II đầu 25R và các hệ thống đèn đồng bộ trên đường cất hạ cánh. Lắp đặt mới hệ thống đèn hiệu tại đường lăn. Về hệ thống điều khiển sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển hiện hữu đảm bảo kết nối phù hợp giữa phần thiết bị hiện hữu và thiết bị lắp đặt mới. Tổng mức đầu tư của dự án là 2.015 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.443 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thi công theo 2 bước: Bước 1 là 6 tháng, bước 2 là 14 tháng (khởi công vào cuối tháng 6/2020, hoàn thành vào cuối năm 2021). |