Bộ GTVT muốn làm 'sống lại' PMU đường thuỷ

Đinh Tịnh - 12/05/2020 10:27 (GMT+7)

(VNF) - PMU đường thuỷ được sáp nhập từ Ban quản lý dự án đường thuỷ thuộc Bộ Giao thông vận tải và Ban quản lý dự án đường thuỷ thuộc Cục đường thuỷ nội địa. Sau sáp nhập, PMU đường thuỷ có 120 người, tuy nhiên đến nay, Ban chỉ còn 40 người và nợ lương suốt 2 năm qua. Lãnh đạo Ban chia sẻ: "PMU đường thuỷ đang rơi vào cảnh 'sống mòn'..."

VNF
Luồng Lạch Giang, một dự án đường thuỷ quy mô, mức độ thi công khó đã được PMU đường thuỷ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo mỹ thuật, chất lượng dự án

Chủ trương đúng

Trước đây, giai đoạn 2011-2015, ngành giao thông vận tải bùng nổ trong việc huy động vốn. Số vốn huy động được đạt khoảng 186.660 tỷ đồng, chia cho 62 dự án BOT, PPP. Đây là giai đoạn cao điểm nên các Ban Quản lý dự án (PMU) khá nhiều việc và hoạt động tương đối hiệu quả.

Bước sang các năm 2016-2017, số lượng dự án giao thông ít dần đồng nghĩa với việc các PMU giao thông không có việc. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đồng ý sáp nhập các PMU nhằm tinh giản bộ máy và nhân sự, nâng cao hiệu quả vận hành các PMU giao thông.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết: tính đến trước năm 2017, Bộ Giao thông vận tải có 11 PMU trực thuộc, 4 PMU thuộc Tổng cục Đường bộ, 1 PMU thuộc Cục Hàng hải và 1 PMU thuộc Cục Đường thủy nội địa. 

Sau khi thực hiện sáp nhập theo Quyết định 1183 của Bộ Giao thông vận tải (ban hành ngày 21/4/2017), các PMU được phân theo lĩnh vực chuyên ngành đường sắt, đường thuỷ, hàng hải. Riêng lĩnh vực đường bộ, do khối lượng công việc rất lớn nên được Bộ Giao thông vận tải chia thành 3 khu vực: Bắc - Trung - Nam.

Cụ thể, khu vực phía Bắc, ngoài Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là ban chuyên ngành thực hiện quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải tiến hành hợp nhất PMU 1 và PMU Thăng Long thành PMU Thăng Long, hợp nhất PMU 2 và PMU an toàn giao thông thành PMU 2 và giữ nguyên PMU 6. Tại khu vực miền Trung có PMU 85 và tại khu vực phía Nam có PMU 7.

“Đối với các Ban Quản lý dự án đường bộ trực thuộc Tổng cục Đường bộ, do tính chất đặc thù chủ yếu làm duy tu, bảo trì, bảo dưỡng nên được giữ nguyên trạng theo khu vực, gồm 4 ban ở 4 vùng. Như vậy, sau khi sáp nhập, Bộ Giao thông vận tải còn 13 PMU chuyên ngành so với 17 PMU trước đó”, ông Nhật nói.

Đến thời điểm này, việc sáp nhập các PMU tương đối ổn định và thu hẹp đầu mối, đồng thời, việc Bộ Giao thông vận tải sắp triển khai hàng loạt các dự án cao tốc, các dự án giao thông địa phương... giúp cho công việc tại các PMU đường bộ, PMU hàng hải khá thuận lợi. Tuy nhiên, chỉ riêng PMU đường thuỷ hiện đang chìm trong khó khăn.

"Lãnh đạo PMU đường thuỷ bỏ tiền túi đóng bảo hiểm cho nhân viên"

Trao đổi với VietnamFinance, ông Dương Thanh Hưng, Quyền Tổng giám đốc PMU đường thuỷ, cho biết: sau khi sáp nhập giữa Ban Quản lý dự án đường thuỷ thuộc Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án đường thuỷ thuộc Cục đường thuỷ nội địa, sẽ còn duy nhất PMU đường thủy nội địa. Ban đầu, nhân sự của Ban có 120 người (tăng thêm 21 biên chế so với trước).

“Tuy nhiên, hiện PMU đường thủy nội địa chìm ngập trong khó khăn vì hết việc, các nhân sự đã bỏ đi gần hết, chỉ còn khoảng 40 người. Trong đó thì có đến một nửa làm lái xe, văn phòng, kế toán và 20 người làm chuyên môn. Trong nhóm này, một số những nhân viên giỏi đã tự nhảy việc", ông Hưng nói.

Ông Hưng cho biết thêm: hiện PMU đường thuỷ chỉ trông chờ vào dự án đường thuỷ Sông Đáy – Ninh Cơ kết nối giao thông thuỷ từ Lạch Giang đến cảng cảng tại Ninh Bình, sông Đáy, sông Hồng... tuy nhiên, dự án này bị ngưng trệ nhiều lần và chưa biết đến mới nào thực hiện.

"Chính vì thiếu việc, nên Ban đã nợ lương người lao động suốt 2 năm qua", ông Hưng nói.

Một cán bộ PMU đường thuỷ chia sẻ: "Bản thân lãnh đạo PMU đường thuỷ cũng muốn tìm việc bên ngoài nhưng lĩnh vực đường thuỷ rất khó khăn. Nhiều lúc, lãnh đạo PMU đường thuỷ phải ứng tiền túi đóng bảo hiểm cho nhân viên".

PMU đường thuỷ mòn mỏi chờ dự án sông Đáy - Ninh Cơ

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, để làm "sống lại" PMU đường thuỷ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đang tính đưa ông Nguyễn Xuân Lâm, hiện là Phó tổng Ggám đốc PMU Thăng Long, về làm "thuyền trưởng" PMU đường thuỷ.

Bộ Giao thông vận tải cũng mong muốn PMU đường thuỷ sẽ thực hiện đa lĩnh vực hơn khi có thể tham gia các dự án mang tính chất "tổng hợp" nâng cao tính kết nối giữa đường bộ, đường thuỷ.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh khi Tổng công ty Cửu Long sắp bị "khai tử" mà không thành lập được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Nhân sự của Tổng công ty Cửu Long sẽ phải sáp nhập với PMU đường thuỷ và PMU7. Từ đó, PMU đường thuỷ cũng sẽ có một đội ngũ giàu kinh nghiệm trong cả lĩnh vực đường thuỷ, đường bộ.

Hơn thế nữa, đây là tiền đề để PMU đường thuỷ có thể tiếp quản một số dự án do chính Tổng công ty Cửu Long quản lý. Đây có lẽ là phương án khả thi và có thể làm "sống dậy" một PMU đường thuỷ đang "sống mòn" như hiện nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác