Vì sao vi phạm tại VEC đến mức phải xem xét kỷ luật Chủ tịch VEC?

Nhóm phóng viên - 12/05/2020 07:54 (GMT+7)

(VNF) - Những vi phạm nghiêm trọng kéo dài, có tính hệ thống đã khiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: "vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các cá nhân lãnh đạo đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Tổng Công ty, đến mức phải xem xét kỷ luật".

VNF

Chủ tịch VEC vi phạm nghiêm trọng, phải kỷ luật

Trong hai ngày 27 và 28/4/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 44 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số cá nhân.

Theo kết luận, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã vi phạm Quy chế làm việc và các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, để nội bộ Lãnh đạo Tổng Công ty mất đoàn kết nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và trong quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Mai Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên và ông Trần Quốc Việt, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy;

Ông Trần Văn Tám, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc và ông Lê Quang Hào, Đảng ủy viên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và các ông nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Tổng Công ty, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Trước đó, nhiều dự án của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã dính nhiều sai phạm lớn gây bức xúc trong xã hội cũng như đặt dấu hỏi lớn về năng lực và trách nhiệm của VEC.

Hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Trong các sai phạm của VEC thì hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là vụ việc nổi bật. Sau 14 tháng đưa vào khai thác, tại đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ xuất hiện hư hỏng cục bộ mặt đường với diện tích hư hỏng (ổ gà tại lớp bêtông nhựa tạo nhám) khoảng 70m2 trên tổng số 3,1 triệu m2 mặt đường. Một số công trình cầu, hầm chui dân sinh trên toàn tuyến xuất hiện thấm, dột; một số vị trí mái taluy bị xói lở do nhà thầu chưa hoàn thiện công tác trồng cỏ và gia cố mái.

Tháng 6/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại VEC và các đơn vị liên quan theo điều 298 Bộ luật hình sự.

Theo Bộ Công an, kết quả điều tra vụ án đến nay có đủ căn cứ xác định quá trình xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật về đầu tư xây dựng công trình. 

Ngày 18/2/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét với 4 cựu giám đốc và một phó giám đốc các gói thầu dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 298 Bộ luật hình sự 2015.

Trong số này, hai người bị bắt tạm giám là ông Phan Khánh Toàn (cựu giám đốc gói thầu số 4), Phan Ngọc Thơm (phó giám đốc gói thầu số 2 và 3B). Ba bị can Vũ Như Khuê (cựu giám đốc gói thầu số 1), Quản Trọng Tuấn (cựu giám đốc gói thầu 3B), Nguyễn Quốc Hải (cựu giám đốc gói thầu số 6) được áp dụng biện pháp tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu, dẫn đến gây thiệt hại về tài sản khi thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo Bộ Công an, VEC và các nhà thầu chịu trách nhiệm nghiệm thu hoàn thành công trình trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Hội đồng chỉ thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của VEC theo quy định.

Đến nay, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn trong giai đoạn khai thác tạm, công trình chưa đủ điều kiện để VEC tổ chức nghiệm thu hoàn thành nên Hội đồng nghiệm thu nhà nước chưa chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của VEC.

Đây chỉ là một trong những dự án lùm xùm của VEC . Tuy nhiên, ở VEC việc đấu đá nội bộ mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn của một Tổng công ty lớn.

Nhượng quyền thu phí cho Công ty Yên Khánh

Tại tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC quản lý từng dính không ít tai tiếng trong công tác thu phí khi giao cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh - gọi tắt Công ty Yên Khánh) của nữ doanh nhân Vũ Thị Hoan (SN 1985).

Điều khiến dư luận băn khoăn là tại sao Công ty Yên Khánh có thể mua quyền thu phí khi việc này đang được giao cho Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) thực hiện thời điểm năm 2012.

Nữ doanh nhân Vũ Thị Hoan thời điểm đó đã ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất sẽ tiếp nhận và thực hiện công tác tổ chức, quản lý thu phí từ ngày 5/7/2012.

Đến tháng 10/2012, VEC chính thức xin Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho Công ty Yên Khánh thực hiện thu phí trên tuyến cao tốc này. Công ty Yên Khánh còn được tiếp nhận toàn bộ tài sản phục vụ công tác thu phí hiện có, bao gồm cả khu nhà ở cho công nhân thu phí.

Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty Yên Khánh đã "đánh bật" VEC O&M để thực hiện quyền thu phí. Những hoài nghi về việc công ty này được ưu ái để thâu tóm quyền thu phí đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Công ty Yên Khánh và các doanh nghiệp (DN) do cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc) điều hành đã hé lộ phần nào nguyên nhân.

Từ năm 2012 đến cuối năm 2017, Công ty Yên Khánh tổ chức thu phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong khi thời hạn được Bộ GTVT chấp thuận chỉ là 1 năm với chi phí trọn gói là 21,3 tỷ đồng, nhân sự là 231 người.

Bên cạnh đó, VEC còn nghi án sai phạm tại nhiều chỉ đạo khác như: chỉ định thầu 8 trạm dừng nghỉ, trong đó có trạm Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được VEC chỉ định thầu cho Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (sân sau của Đinh Ngọc Hệ - tức "Út trọc").

Sai phạm xây dựng nhà hàng 68 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nghi vấn thất thoát trong thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai...

Bắt Phó Tổng giám đốc VEC Lê Quang Hào

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) quyết định khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với bị can Lê Quang Hào, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bị can Lê Quang Hào là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Chiều 11/5, C03 cho biết đang tiến hành điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.

Quá trình điều tra vụ án, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với Lê Quang Hào, Phó Tổng giám đốc VEC, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 298 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định và lêknh tố tụng nêu trên. Hiện C03 đã tống đạt, triển khai thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 

C03 cho biết, hành vi sai phạm của Lê Quang Hào là đã tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn 65km) không đúng trình tự, quy định của pháp luật, không đúng tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án được phê duyệt, dẫn đến đưa công trình không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Hiện C03 đang tiếp tục khẩn trương điều tra mở rộng vụ án, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi, kê biên triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139,2km; đi qua TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2013 và do VEC làm chủ đầu tư.

Đây được xem là một dự án cao tốc “bê bối” của ngành giao thông khi dự án chỉ vừa thông xe, sử dụng một thời gian ngắn (từ ngày 2/9/2018) thì cao tốc này bắt đầu xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ trâu". Đơn vị quản lý đã cho sửa chữa, tuy nhiên đến nay cao tốc tiếp tục xuất hiện hư hỏng.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác