Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra 10 công ty chứng khoán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp
Việt Anh -
27/10/2021 16:17 (GMT+7)
(VNF) - Nhằm hạn chế rủi ro và tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính trong tháng 10 đã chỉ đạo kiểm tra 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời Bộ cũng chỉ đạo kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính yếu.
357.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phát hành trong 9 tháng
Từ năm 2018 đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm.
Để hạn chế rủi ro và tạo khung khổ pháp lý đồng bộ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quy định thống nhất về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Đồng thời, Bộ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, từ 1/1/2021, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, trái phiếu phát hành ra công chúng phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy đăng ký chào bán và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm theo lộ trình.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Vụ Tài chính ngân hàng, sau 9 tháng triển khai quy định mới, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vẫn tăng trưởng khá cao, hơn 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 357.000 tỷ đồng. Ngược lại, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 17.375 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất chiếm trên 37%, còn các doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 31%. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm mạnh so với năm 2020 (mua 5,5% khối lượng phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021 trong khi cả năm 2020 là 12,7%).
Vụ Tài chính ngân hàng nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn một số vấn đề cần lưu ý như phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường.
Một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ hoặc có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Kiểm tra 10 công ty chứng khoán trong tháng 10
Đại diện Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, Bộ Tài chính đã và đang tăng cường quản lý giám sát đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp tập trung vào nhiều nội dung. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục tuyên truyền, phổ biến quy định mới về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo về các rủi ro đối với các chủ thể khi tham gia thị trường, định hướng các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính trong tháng 10 đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời Bộ cũng chỉ đạo tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu.
Bộ Tài chính cũng đang đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, như đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu và phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát;
Đề nghị Bộ Xây dựng có các giải pháp quản lý thị trường bất động sản, phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản về rủi ro tăng trưởng nóng; tổ chức làm việc với Bộ Công an về khung khổ pháp lý và tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin.
Đặc biệt về tổ chức thị trường thứ cấp, nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng cường quản lý, giám sát hoạt động giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng thông tư và chuẩn bị thiết lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời nâng cấp chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp và hệ thống niêm yết, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone