Bộ trưởng Công Thương cảnh báo loạt dự án điện lực chậm tiến độ

Kỳ Thư - 08/01/2025 15:15 (GMT+7)

(VNF) - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương vừa có báo cáo điểm tên nhiều dự án điện lực bị chậm tiến độ, đồng thời có cảnh báo đến các chủ đầu tư

Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg về cung ứng đủ điện năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 (Chỉ thị 01), đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, đơn vị đã thực hiện rà soát và cập nhật tình hình triển khai các dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch Điện VIII theo chỉ đạo của Bộ trưởng.

Hiện tại, hai dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đang được triển khai với tiến độ dự kiến vận hành vào năm 2025, trong khi dự án Hiệp Phước theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành trong năm 2025 nhưng hiện chưa đạt yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Một số dự án như Hải Lăng 1 đã hoàn tất công tác thẩm định và đang chờ phê duyệt đầu tư, còn dự án LNG Thái Bình đang được khẩn trương lập hồ sơ khả thi với mục tiêu hoàn thành trong quý II/2025…Các dự án BOT lớn như Sơn Mỹ 1 và 2 các chủ đầu tư đã trình phương án trình nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn về cơ chế cần giải quyết.

Đối với các dự án khí điện sử dụng khí trong nước, với chuỗi lô B cơ bản bám sát tiến độ, dự kiến dòng khí đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2026-2027, nhưng một số dự án như Nghi Sơn, Cà Ná và Quỳnh Lộc đang chậm tiến độ do vướng mắc về quy định pháp luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư.

Về lưới điện, dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025, hoàn thành trong năm 2026.

Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu vận hành 6.000 MW trong giai đoạn 2026-2030, và Bộ Công Thương hiện đang xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị khảo sát, cũng như xác định danh mục dự án trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện tiến độ một số dự án lớn đang bị chậm trễ, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, thay đổi quy định pháp luật và sự phối hợp chưa đồng bộ tại địa phương. Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện pháp lý và hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch.

Thực tế, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương, bộ ngành, và các chủ đầu tư có dự án đã được xác định nhưng đến bây giờ tiến độ vẫn chậm.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo Tổng cục Thống kê, năm nay, GDP tăng trưởng 7,09%, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản lượng điện cần tăng từ 11 - 12%, có tháng cao điểm lên đến 13 - 15%. Một số địa phương công nghiệp trọng điểm còn tăng trưởng 17-18%.

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, hướng tới mức hai con số. Để đạt được điều này, hạ tầng năng lượng cần được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo nguồn cung cấp điện tăng từ 10.000-12.000 MW mỗi năm.

GDP tăng trưởng 7,09%, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản lượng điện cần tăng từ 11-12%.

Theo ông Diên, cùng với việc Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua thì hàng loạt các nghị định mới của Chính phủ để bảo đảm quy hoạch Điện VIII và sắp tới là Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh sẽ được triển khai đúng luật, bảo đảm an ninh năng lượng.

Trong Luật Điện lực và dự thảo nghị định cũng đã cơ bản hoàn tất trình lên Chính phủ và bây giờ Bộ Tư pháp đang thẩm định cũng thể hiện rất rõ nếu chủ đầu tư nào không thực hiện theo tiến độ cam kết thì Chính phủ kiên quyết thu hồi. Khi đã thu hồi như vậy thì nhà đầu tư phải chịu.

Ông Diên khẳng định Luật Điện lực đã chính thức cho phép Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho điện khí. Các kiến nghị của các chủ đầu tư từ lâu đã “trở thành hiện thực”, như vậy Bộ trưởng khẳng định không còn lý do để trì hoãn, nếu trì hoãn thì buộc Chính phủ phải thu hồi.

Về điện gió ngoài khơi Luật đã cho phép, dự thảo nghị định cũng đã trình lên Chính phủ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cả tập đoàn kinh tế nhà nước và cả ngoài nhà nước tiến hành các bước triển khai cần thiết.

Ông Diên khẳng định tinh thần là cả điện khí và điện gió ngoài khơi được xem xét cấp phép trong giai đoạn này đều đưa vào vận hành, hoà lưới quốc gia trước ngày 31/12/2030, nếu không sẽ mất quyền hưởng các cơ chế ưu đãi và đối mặt với chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm.

Thủ tướng: 'Cơ cấu lại Petrovietnam theo mô hình Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia'

Thủ tướng: 'Cơ cấu lại Petrovietnam theo mô hình Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia'

Doanh nghiệp
(VNF) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Tập đoàn thực hiện cơ cấu lại theo mô hình Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia.
Cùng chuyên mục
Tin khác