Gỡ vướng hơn 600 dự án năng lượng tái tạo: Hàng trăm nghìn tỷ hy vọng 'hồi sinh'

Xuân Thạch - 17/12/2024 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Công thương đề xuất 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hàng trăm dự án điện năng lượng tái tạo nhằm không lãng phí đầu tư, thu hút các nguồn lực bên ngoài

Thu lại giá FIT nếu không đáp ứng điều kiện

Bộ Công thương đã đưa ra 6 nhóm giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương án tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo vi phạm.

Theo đó, đối với các dự án đang được hưởng giá khuyến khích (FIT) có vi phạm sẽ không được hưởng giá ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; đồng thời bị thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Hàng trăm dự án điện mặt trời mái nhà với công suất lớn trên đất nông, lâm, nghiệp “đội lốt” dưới mô hình trang trại nuôi trồng

Bên cạnh đó, đối với các dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trong điểm quốc gia thì cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện.

Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình sẽ cho phép hoàn thiện theo quy định.

Đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng, các cơ quan chức năng sẽ đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp; đồng thời thực hiện cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan.

Ngoài ra, đối với 413 dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm, nghiệp dưới mô hình trang trại nuôi trồng mà đất chưa phù hợp để làm trang tại thì yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ thủ tục xây dựng, đầu tư trang trại nuôi trồng kết hợp với thực hiện dự án điện năng lượng tái tạo theo quy định, đồng thời thực hiện ngay các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định vi phạm về đất để làm trang trại, các dự án sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán theo quy định. Đồng thời bị thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện. Các dự án này phải thực hiện đầy đủ các hoạt động trang trại nuôi trồng theo đúng đăng ký đầu tư ban đầu.

Hoàn thành gỡ vướng trước 31/1/2025

Bộ Công Thương thừa nhận, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm.

Bộ này cũng nêu rõ, nguyên tắc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan, cấp ngành địa phương nào thì cơ quan, cấp, ngành, địa phương đó phải giải quyết. Đối với các dự án đã bị khởi tố, chỉ thực hiện việc xử lý, khắc phục các vi phạm sau khi đã có bản án có hiệu lực theo quy định.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hàng trăm dự án điện năng lượng tái tạo nhằm không lãng phí đầu tư, thu hút các nguồn lực bên ngoài trước 31/1/2025.

Trước đó, tại cuộc họp về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đưa ra quan điểm, nguyên tắc chung để giải quyết, gỡ vướng nhất là với các bên không cố ý vi phạm.

Thủ tướng lưu ý các sai phạm cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể với các cá nhân liên quan. Các địa phương phải cùng doanh nghiệp tháo gỡ. Đặc biệt, nghiêm cấm chạy chọt, tiêu cực, tham nhũng rồi lại phải xử lý.

Bộ Công Thương và các địa phương, đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm khó khăn vướng mắc của các dự án điện năng lượng tái tạo, và hoàn thành trước ngày 31/1/2025.

Tại kết luận số 1027 của Thanh tra Chính phủ, chỉ rõ hàng trăm dự án năng lượng tái tạo trong quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm.

Cụ thể, có 14 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá FIT (giá khuyến khích) không đúng đối tượng bao gồm: Hacom Solar, điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận 1, Thuận Nam Đức Long, Thiên Tân Solar Ninh Thuận, Phước Ninh, Sơn Mỹ 2, Sơn Mỹ, Solar Farm Nhơn Hải, Bầu Zôn, Thuận Nam 12, SP Infra 1, Adani Phước Minh, Hồ Bầu Ngứ và dự án điện mặt trời 450MW kết hợp trạm 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV.

173 nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu.

20 dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản như Nam Bình 1, Asia Đắk Song 1, Đắk N'Drung 1, 2, 3... 5 dự án chồng lấn quy hoạch thủy lợi và vùng tưới như điện mặt trời Phước Hữu, Mỹ Sơn, Trung Sơn, Quán Thẻ, Tân Mỹ... Có 1 dự án chồng lấn quy hoạch đất quốc phòng, 40 dự án sai trình tự, thủ tục hồ sơ về đất đai.

Đáng chú ý, phần lớn trong số này là 413 các dự án điện mặt trời mái nhà với công suất lớn trên đất nông, lâm, nghiệp “đội lốt” dưới mô hình trang trại nuôi trồng.

Chỉ duy nhất EVN được mua điện mặt trời mái nhà dư thừa

Chỉ duy nhất EVN được mua điện mặt trời mái nhà dư thừa

Tiêu điểm
(VNF) - Dự thảo mới của Bộ Công Thương đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là bên mua duy nhất được mua điện mặt trời mái nhà dư thừa.
Cùng chuyên mục
Tin khác