Tiềm lực ông chủ bỏ 7.000 tỷ làm Điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc
(VNF) - Dự án điện giá Xuân Thiện – Thuận Bắc bị Bộ Công an điều tra mới đây là dự án do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư.
Dự án Xuân Thiện – Thuận Bắc có gì?
Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư, thiết kế, thi công, được xây dựng trên diện tích hơn 259 ha tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, công suất lắp đặt 256 MWp, sản lượng phát điện dự kiến mỗi năm khoảng 500 triệu kWh. Dự án đã có hợp đồng mua bán điện trong thời gian 20 năm với EVN với giá FIT 93,5 USD/MWh.
Được biết, pháp nhân trực tiếp của dự án là Công ty Cổ phần Xuân thiện Thuận Bắc. Công ty này đi vào hoạt động năm 2018 với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Nguyễn Văn Thiện, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình và Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này đang là 550 tỷ đồng.
Theo đại diện chủ đầu tư, Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc sử dụng công nghệ, thiết bị chính và hệ thống điều khiển nhập khẩu từ các nước G7 hiện đại nhất hiện nay, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Ngoài ra, các tấm pin quang điện được lắp đặt tại nhà máy đều được cung cấp bởi các nhà sản xuất uy tín trên thế giới.
Về dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc, vào ngày 26/4/2022, Sở kế hoạch và đầu tư Bình Thuận đã quyết định thanh tra đối với dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc giai đoạn 2.
Đến cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về hàng loạt dự án điện mặt trời chồng lấn quy hoạch thuỷ lợi tại tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, đã chỉ rõ 3 dự án Điện mặt trời đang chồng lấn quy hoạch thủy lợi. Đáng chú ý, trong đó có nhắc tên nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc có diện tích 169 ha, đã có 100 ha nằm trong vùng tưới của kênh TM-24, trong khi kênh này chỉ có diện tích tưới khoảng 248 ha.
Tập đoàn Xuân Thiện lớn cỡ nào?
Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện (Xuân Thiện Group) được thành lập từ năm 2000, có trụ sở chính tại Ninh Bình.
Xuân Thiện Group được biết đến là cơ nghiệp của "đại gia" Nguyễn Văn Thiện. Ông Thiện là trưởng nam của doanh nhân Nguyễn Xuân Thành nổi tiếng ở Ninh Bình.
Tính đến tháng 9/2020, ông Nguyễn Văn Thiện đang nắm 55% cổ phần Xuân Thiện Group.
Ngoài những thông tin trên, những thông tin khác liên quan đến vị đại gia này gần như kín tiếng.
Thông qua nhiều công ty thành viên, Xuân Thiện Group đầu tư không chỉ vào ngành năng lượng mũi nhọn, mà còn hướng đến trở thành Tập đoàn đa ngành với nhiều lĩnh vực như: vật liệu xây dựng; nông nghiệp công nghệ cao; logistics; bất động sản; khách sạn nghỉ dưỡng...
Về lĩnh vực vật liệu xây dựng, với sản phẩm chính là xi măng, hiện Xuân Thiện Group sở hữu một số nhà máy như: Nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam (công suất 6 triệu tấn xi măng/năm), nhà máy xi măng Xuân Thành Quảng Nam (công suất 1,3 triệu tấn xi măng/năm), nhà máy xi măng Minh Tâm Bình Phước (công suất kế hoạch 2,5 triệu tấn xi măng/năm).
Xuân Thiện Group còn được biết đến ở lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) với cột mốc vào năm 2014, khi một đơn vị thành viên là Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tiên đầu tư thủy điện vào Cameroon (châu Phi).
Xuân Thiện Group đang thực hiện đầu tư khai thác khoảng 20 dự án thủy điện trong và ngoài nước như thủy điện Suối Sập 1 (công suất 180MW), thủy điện Háng Đồng A (160W), thủy điện Háng Đồng A1 (160MW) tại Sơn La; thủy điện Khao Mang Thượng (180W), thủy điện Thác Cá tại Yên Bái; thủy điện Sông Lô tại Hà Giang...
Trước đó, ngày 25/12/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tại thông báo này, Thanh tra Chính phủ cho biết, chủ đầu tư dự án điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp 4 chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường hạng mục đường dây 500 kV theo quy định tại điểm C Khoản 1, Điều 18 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, địa điểm thực hiện thay đổi nhưng chủ đầu tư không lặp lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường là vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Được biết đây là siêu dự án điện mặt trời có quy mô lên tới 51 nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Xuân Thiện.
Đáng chú ý, việc chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện dự án cũng được xác định là chưa tuân thủ Luật Đất đai. Nguyên nhân là tỉnh duyệt kế hoạch sử dụng đất thực hiện dự án khi chưa điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của huyện Ea Súp.
Dự án cũng vi phạm từ việc khởi công, nghiệm thu lẫn vận hành thương mại. Theo đó, chủ đầu tư khởi công cụm 5 dự án trước khi được tỉnh cho thuê đất, trước khi duyệt thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán công trình. Dự án vận hành thương mại trước khi được cơ quan thẩm quyền kiểm tra nghiệm thu và ra thông báo kết quả kiểm tra.
Đặc biệt, cùng loạt vi phạm nêu trên, cụm 5 nhà máy điện mặt trời này của Tập đoàn Xuân Thiện còn nằm trong danh sách 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá FIT trong 20 năm không đúng Nghị quyết 115 của Chính phủ.
Căn nguyên của việc này là nhờ Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được Bộ Công thương ban hành không đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế đối với 14 dự án nêu trên từ trong năm 2023. Hiện các thông tin xoay quanh công tác xử lý, khắc phục vi phạm vẫn chưa được công bố chính thức.
Trước đó, hồi đầu đầu tháng 9/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 60 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm hành chính công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty công bố thông tin định kỳ không đúng thời hạn với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về Báo cáo tài chính năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021).
Dự án của Trung Nam, Xuân Thiện, Sông Giang, Thiên Tân trong danh sách Bộ Công an điều tra
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.