Tài chính

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 'TTCK Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ'

(VNF) - "Tôi tin tưởng rằng, với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, với Luật Chứng khoán đã được ban hành và những giải pháp thiết thực, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ có một năm 2021 tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 'TTCK Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ'

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 'TTCK Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ'

Sáng 4/1/2021, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã diễn ra lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2021.

Đúng 9h00', Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã thực hiện nghi thức đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm.

Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2021

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận năm 2020 đầy biến động khi đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới đối mặt cùng một lúc với khủng hoảng y tế, suy thoái kinh tế và tình hình căng thẳng hơn về địa chính trị. Việt Nam vừa phải đối phó với tác động của đại dịch Covid – 19, vừa phải đối mặt với những tác động của thảm họa thiên tai chưa từng có ở khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng của thế giới khi vừa kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh vừa duy trì phát triển kinh tế. GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính tăng 2,91%, thuộc nhóm các nước cao nhất thế giới. Các chỉ tiêu vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn giữ được ổn định. Xuất nhập khẩu và xuất siêu đều đạt kỷ lục. Thu ngân sách vượt kế hoạch, các chỉ tiêu bội chi ngân sách và nợ công đều giảm so với số đã báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2020.

"Có thể nói thành công trong phòng chống dịch bệnh, duy trì đà tăng trưởng kinh tế dương và các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt của Bộ Tài chính là những yếu tố nền tảng tạo nên một năm thành công ngoài mong đợi của thị trường chứng khoán Việt Nam", Bộ trưởng nói.

Vào thời điểm đầu năm, khi đại dịch bùng phát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có lúc giảm điểm khá sâu, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khá nhiều, nhưng sau đó đã ổn định, phục hồi bền vững và tăng trưởng ngoạn mục vào giai đoạn cuối năm 2020. Kết quả về chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng 14,9% so với đầu năm và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỷ đồng một phiên, trong đó các tháng 11 và 12 lần lượt đạt mức trung bình 10.000 và 14.800 tỷ đồng một phiên, tăng hơn 2 lần so với mức bình quân năm 2019.

Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, các thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Thị trường trái phiếu chính phủ đã huy động được 333 nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, tăng 64% so với năm 2019 với thời hạn bình quân 13,94 năm (so với năm 2019 là 13,44 năm). Đặc biệt lãi suất huy động giảm từ 4,51%/năm năm 2019 xuống còn 2,83%/năm trong năm 2020, qua đó giúp Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu danh mục nợ Chính phủ trong nước theo hướng bền vững với kỳ hạn danh mục nợ trái phiếu Chính phủ còn lại bình quân là 8,35 năm (so với mức 7,42 năm của năm 2019).

Trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 400 nghìn tỷ đồng, quy mô so với GDP đạt khoảng 14,7%. Thị trường chứng khoán phái sinh có quy mô giao dịch tăng gần 80%. Tổng mức huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 384 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

"Theo thống kê chưa đầy đủ, 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán làm ăn có lãi, một tỷ lệ rất cao trong năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 so với các khu vực khác của nền kinh tế. Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ

Năm 2021, trước nguy cơ tác động của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng nhấn mạnh thị trường có thể vẫn sẽ có những diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tác động của dịch đối với nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam vẫn còn dai dẳng, buộc chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và đề phòng.

"Tuy nhiên với những kinh nghiệm và thành công bước đầu trong phòng chống đại dịch và tiềm năng vị thế sẵn có, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đang đứng trước những vận hội mới", người đứng đầu ngành tài chính cho hay.

Bộ trưởng cho biết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 khai mạc trong vài ngày tới sẽ thông qua những văn kiện quan trọng như chiến lược phát triển 10 năm 2021 – 2030, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025, và trên cơ sở đó Chính phủ sẽ ban hành các kế hoạch, giải pháp thực thi hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ ngay từ đầu năm.

Cũng từ đầu năm nay, Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực, tạo ra một khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư đồng bộ hơn, minh bạch hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và phát triển Thị trường Chứng khoán bền vững.

Người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh sẽ phối hợp với các Bộ ngành chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tập trung nỗ lực tận dụng thời cơ thực hiện các mục tiêu trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn vào cuộc sống, để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành huy động vốn, bảo vệ quyền của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh.

Thứ hai, đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các Sở Giao dịch Chứng khoán theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian trên thị trường theo định hướng của Chính phủ.

Thứ ba, đảm bảo an toàn ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ triển khai xây dựng thêm thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ tư, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán, thúc đẩy quy mô và thanh khoản thị trường, đưa thêm các sản phẩm mới.

Thứ năm, tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.

Thứ sáu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán – thị trường vốn về dài hạn.

"Tôi tin tưởng rằng, với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, với Luật Chứng khoán đã được ban hành và những giải pháp thiết thực, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2021 tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng

Tại buổi lễ, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, đồng thời cam kết sẽ cùng với các bộ ngành liên quan biến các chỉ đạo của Bộ trưởng thành chương trình hành động cụ thể để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tin mới lên