Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp của nhiệm kỳ trước không đạt được'

Tuệ Lâm - 11/11/2021 21:52 (GMT+7)

(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tại nhiệm kỳ trước, trên thực tế là không đạt được.

VNF
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Chiều 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. 

Trả lời về giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tại nhiệm kỳ trước, trên thực tế là không đạt được.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng để thực hiện được mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 cần những giải pháp căn cơ.

Trước hết cần tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào các chính sách đã được quy định trong luật để triển khai các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập mới và có thể hoạt động được.

Theo Bộ trưởng, phải tạo được niềm tin để các doanh nhân, doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp, tham gia đầu tư.

Bên cạnh đó, những chương trình đang triển khai như chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển đổi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như Nghị định 57 hoặc đầu tư trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao… cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Dũng, một trong những điều kiện để thực hiện mục tiêu này là tập trung phát triển hộ kinh doanh. Hiện Việt Nam có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, với 8 triệu lao động, tuy nhiên hiện vẫn chưa có một môi trường pháp lý phù hợp.

Trong nhiệm kỳ trước, Chính phủ có đề xuất bổ sung vào Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên Quốc hội đề nghị tách thành luật riêng. Theo đó, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ, xây dựng một luật riêng cho hộ kinh doanh cá thể, trình cấp có thẩm quyền thông qua để phát huy tiềm năng, lợi thế của các hộ kinh doanh, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh "lớn lên" thành doanh nghiệp.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đặt vấn đề theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP.

Ông Hiển cho rằng nếu làm như vậy sẽ tăng nợ công, tăng bội chi, nợ Chính phủ. Còn nếu không có các giải pháp đủ lớn, nền kinh tế sẽ chậm phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước, kèm theo nhiều hệ lụy tiêu cực.

"Chúng ta chấp nhận vượt trần ngân sách, tăng nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều?", đại biểu Nguyễn Văn Hiển đặt cậu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu hỗ trợ tiền mặt, cấp tiền cho người dân thì nguy cơ lớn sẽ rủi ro làm tăng lạm phát. Quan điểm là ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng kiểm soát được. Vì nếu không nới bội chi và nợ công sẽ khó tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm và khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển.

Theo Bộ trưởng Dũng, nếu không nới bội chi và nợ công, chúng ta sẽ bỏ một loạt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới. Vì vậy, cá nhân Bộ trưởng ủng hộ nghiên cứu nới bội chi và nợ công.

"Như vậy vừa phát triển, giải quyết việc làm, làm cho quy mô nền kinh tế lớn hơn, khi đó thì tự khắc nợ công sẽ giảm xuống dù không thể xuống như cũ. Còn nếu không nới, không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao trong khi chúng ta bỏ hết cơ hội phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Liên quan đến giải pháp triển khai hiệu quả các dự án ODA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với một số dự án ODA, ngoài việc phải thực hiện các thủ tục theo quy trình, thủ tục và pháp luật trong nước còn phải làm thêm các quy trình, thủ tục của nhà tài trợ.

Như vậy, phải làm đồng thời 2 việc, mà mỗi việc lại mất rất nhiều thời gian, nhất là thời gian trong giãn cách vừa qua thì chỉ một thay đổi nhỏ như thay đổi tên, địa giới, phạm vi diện tích… cũng rất khó thực hiện.

Tiếp đó là vấn đề về lao động và chuyên gia lao động. Lao động ở các dự án này phải có giấy phép, chuyên gia thì phải có xác nhận tư cách chuyên gia. Những “động tác” này đều phải làm các thủ tục xong mới làm được. Thế nên các dự án ODA hiện nay đang giải ngân rất chậm.

Thêm vào đó, các nguyên nhân như khâu nhập khẩu máy móc gặp khó khăn hay chuyên gia lao động bị cách ly, không được di chuyển giữa địa phương này đến địa phương kia… càng khiến tốc độ giải ngân các dự án có vốn ODA  thấp. Ngoài ra, có một số dự án ODA do triển khai, lựa chọn và tổ chức thực hiện chưa tốt dẫn đến lãng phí.

"Thời gian tới, Bộ sẽ cùng với các ngành, địa phương rà soát lại những dự án nào có vướng mắc có thể tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả. Những dự án nào không thực sự hiệu quả, không còn phù hợp sẽ bàn với nhà tài trợ để "đóng" các dự án này, không để kéo dài và lãng phí", ông Dũng cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác