Thị trường

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Bí thư, Chủ tịch tỉnh Gia Lai ra tận sân bay để mời đón doanh nghiệp đầu tư'

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định trong các tỉnh Tây nguyên thì Gia Lai rất tích cực. Các lãnh đạo tỉnh gồm Bí thư, Chủ tịch tỉnh mời chào rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí, họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Bí thư, Chủ tịch tỉnh Gia Lai ra tận sân bay để mời đón doanh nghiệp đầu tư'

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Sáng 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ. Người đầu tiên lên “ghế nóng” là Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đặt câu hỏi: "Một trong những nguyên nhân khiến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn là do nông sản sản xuất ra thiếu thị trường tiêu thụ, bị ép giá. Sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số chưa gắn kết được vào chuỗi giá trị nên giá trị gia tăng thấp, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết tình trạng này?".

Trả lời đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết dù thời gian nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nhưng thực tế đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn gặp rất nhiều khó khăn.

Với tình trạng sản xuất bấp bênh, kém hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần phải tập trung kêu gọi nhiều hơn các doanh nghiệp vào để liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi cùng người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong 5 tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai là tỉnh tích cực nhất trong việc kêu gọi doanh nghiệp. Trong đó, các lãnh đạo như Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thường vụ... mời gọi rất nhiều doanh nghiệp.

"Thậm chí, có những đợt, các lãnh đạo tỉnh còn ra tận sân bay để mời đón doanh nghiệp vào để giúp bà con", Bộ trưởng Cường nói.

Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ sự tích cực này, sau hơn 1 năm, Gia Lai đã khánh thành một nhà máy chế biến rau quả. "Doanh nghiệp thậm chí còn cảm động đến mức quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa", Bộ trưởng Cường cho hay.

Do đó, ông Cường cho rằng trong các nhóm giải pháp thì việc mời gọi bằng được các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến là việc làm cực kỳ cần thiết.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định việc này là trách nhiệm của Bộ nên Bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên nhiều tiềm năng.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông) cũng đặt câu hỏi về giải pháp đối với việc phục hồi hay chuyển đổi cây trồng, vật nuôi "được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa". Như hiện nay, cây tiêu ở Tây Nguyên thì mất cả mùa, mất cả giá và cây cà phê thì mất giá kéo dài?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng khâu chế biến và tổ chức thương mại đang để lộ nhiều bất cập. Nếu không cải thiện được khâu chế biến thì không dập được chuyện "hôm nay được, ngày mai mất".

"Nền kinh tế thị trường cũng không ai dự báo được ngày mai cái gì giá thế nào cả bởi giá vàng hay giá dầu hỏa cũng đều biến động theo ngày”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo ông Cường, sản lượng nông nghiệp dư thừa như vậy cũng có trách nhiệm của Bộ và các ngành liên quan. Ông Cường cho biết, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào chế biến bởi nếu không tập trung vào chế biến thì câu chuyện thừa và thiếu vẫn xảy ra.

Tin mới lên