Tài chính quốc tế

'Bom nợ' Evergrande và 'ma trận' huy động vốn

Hàng chục nghìn hộ gia đình Trung Quốc đang có nguy cơ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng của tập đoàn bất động sản đình đám một thời Evergrande

'Bom nợ' Evergrande và 'ma trận' huy động vốn

Người dân tập trung bên ngoài trụ sở công ty bất động sản Evergrande tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Hàng chục nghìn hộ gia đình Trung Quốc đang có nguy cơ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng của tập đoàn bất động sản đình đám một thời Evergrande, sau khi tập đoàn này không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính lên đến hàng tỷ USD cho các quỹ đầu tư tín thác.

Theo các nguồn tin thân cận, một số quỹ đầu tư thậm chí đã phải tự bỏ tiền để thay mặt Evergrande trả nợ cho các nhà đầu tư giàu có. Trong khi, một số tổ chức khác đang đàm phán về việc kéo dài thời gian thanh toán với tập đoàn này.

Cạn kiệt thanh khoản

Công ty tín thác đầu tư hay quỹ tín thác đầu tư là định chế tài chính chuyên xử lý các khoản đầu tư dài hạn như cổ phiếu, trái phiếu... Những công ty này nhận tiền đầu tư (từ các cá nhân, tổ chức) sau đó chuyển vào các dự án có khả năng sinh lời cao, trong trường hợp này là Evergrande, nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và dự án nhận đầu tư.

Hiện vẫn chưa rõ giá trị các khoản nợ của Evergrande chính xác là bao nhiêu, song việc tập đoàn này không thể hoàn trả khoản thanh toán lên đến 40 tỷ nhân dân tệ (6,2 tỷ USD) đã gây ra làn sóng phản đối trên toàn quốc, đồng thời tạo áp lực buộc Trung Quốc phải tìm ra giải pháp nhằm tránh tạo thêm bất ổn.

Những ảnh hưởng đối với hệ thống đầu tư tín thác của Trung Quốc, hiện có giá trị lên đến 3.000 tỷ USD, đang đặt ra những rủi ro nhất định đối với nhiều nhà đầu tư, đồng thời đe dọa nguồn tài trợ phi ngân hàng lớn nhất của lĩnh vực bất động sản.

James Feng, đối tác sáng lập của quỹ Poseidon Capital Group tại Trung Quốc, chuyên tập trung đầu tư vào các công ty có hoàn cảnh đặc biệt và khó khăn, cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đặt ổn định xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu".

Evergrande không còn nhiều thời gian để trả nợ. Trong quý IV/2021, "gã khổng lồ" Trung Quốc được cho là sẽ phải hoàn trả 1,8 tỷ USD cho các khoản nợ liên quan đến trái phiếu được phát hành cho khách hàng và tổ chức giàu có thông qua các quỹ tín thác. Theo nhà cung cấp dữ liệu Use Trust, một khoản nợ trị giá 4 tỷ USD khác cũng sẽ đáo hạn vào năm tới.

Chính phủ Trung Quốc do lo ngại về việc duy trì sự ổn định tài chính nên đã khuyến khích Evergrande thực hiện các nghĩa vụ của mình. Trong một cuộc họp gần đây, các nhà quản lý đã thúc giục tập đoàn này hoàn thành nghĩa vụ đối với các dự án nhà ở chưa hoàn thiện và trả nợ cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trái phiếu được định giá bằng đồng USD.

Trong khi đó, Chủ tịch tỷ phú của Evergrande ông Hứa Gia Ấn vào tuần trước đã nói với nhân viên rằng những người mua các sản phẩm đầu tư của Evergrande sẽ được hoàn trả. Tuy nhiên, với khoản nợ phải trả lên đến hơn 300 tỷ USD, trong khi dòng tiền ngày một cạn kiệt, giới quan sát vẫn chưa rõ làm cách nào ông Hứa Gia Ấn có thể thực hiện điều này.

Evergrande đã không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán 83,5 triệu USD lãi trái phiếu đến hạn vào ngày 23/9 cho khoản trái phiếu trị giá 2 tỷ USD sẽ đáo hạn vào tháng Ba tới. Các tài khoản ngân hàng của tập đoàn này cũng đang được đặt dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo rằng họ sử dụng tiền mặt đúng mục đích đó là để hoàn thành các dự án nhà ở, chứ không phải trả cho các chủ nợ.

Tòa nhà của tập đoàn bất động sản Evergrande ở Hong Kong, Trung Quốc. 

"Ma trận" các kênh huy động vốn

Sự phụ thuộc của Evergrande vào quỹ tín thác và các sản phẩm quản lý tài sản khác bắt đầu tăng lên sau khi các ngân hàng Trung Quốc được chỉ đạo thắt chặt việc cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Cuối năm 2019, Evergrande có quan hệ kinh doanh với hầu hết 68 công ty tín thác ở Trung Quốc, những công ty này cung cấp đến 41% tổng quy mô tài chính của tập đoàn, theo các số liệu được công bố gần đây nhất.

Để đối phó với những rắc rối tài chính của Evergrande, các công ty này đã trở nên thận trọng hơn vào năm ngoái. Một số công ty chỉ chấp nhận một trong số hàng chục dự án do nhà phát triển bất động sản này đề xuất, với số tiền tài trợ thường ít hơn một nửa so với giá trị thực.

Cùng với đó, các quỹ tín thác cũng đang cắt giảm sự tiếp xúc với các công ty bất động sản khác, một dấu hiệu cho thấy những "tai ương" của Evergrande đang đe dọa toàn bộ ngành bất động sản vốn chiếm đến hơn 15% quy mô kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, các quỹ tín thác đã cắt giảm thêm 201 tỷ nhân dân tệ dư nợ cho vay của các công ty bất động sản trong nửa đầu năm nay, một mức giảm tương đương 17%.

Mặc dù vậy, các quỹ tín thác vẫn là chủ nợ trực tiếp lớn nhất của Evergrande, Christopher Yip - Giám đốc cấp cao của hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới S&P Global Ratings - cho biết. Theo chuyên gia Christopher Yip, những quỹ này cũng là "đối tượng cho vay tín chấp lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản (của Trung Quốc)".

Việc các quỹ tín thác siết chặt nguồn hỗ trợ đã khiến Evergrande phải xoay tiền từ các nguồn rủi ro hơn, bao gồm việc phát hành các tài sản có lãi suất cao (trái phiếu) cho nhân viên, người mua nhà và những người khác. Ngoài ra, khi giá cổ phiếu và trái phiếu bắt đầu giảm trong năm nay, Evergrande đã chỉ thị nhân viên tìm người đầu tư vào các quỹ đầu tư sinh lời cao của công ty nếu không công việc của họ có thể gặp trắc trở.

Trước tình cảnh này, nhiều nhân viên đã buộc phải tuân thủ. Họ không chỉ mua tài sản cho họ mà còn khuyến khích bạn bè và gia đình làm tương tự. Một kế hoạch thăng chức đã được soạn thảo và kế hoạch huy động vốn được gửi đến các công nhân ở tỉnh Liêu Ninh vào tháng Bảy, trong đó đặt ra mục tiêu huy động 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD) cho mỗi nhân viên. Con số này cao gấp 10 lần so với các giám đốc điều hành và đây là một trong những tiêu chí thưởng phạt của ban lãnh đạo.

Tuy nhiên, khủng hoảng đã xảy ra khi Evergrande rơi vào trạng thái cạn kiệt thanh khoản. Hai tháng sau khi kế hoạch thăng chức được gửi đi, các nhân viên và nhà đầu tư của tập đoàn này đã tham gia các nhóm khiếu nại vì Evergrande không thể thanh toán các nghĩa vụ tài chính như đã cam kết.

Anh Hu, 31 tuổi, một nhà đầu tư quỹ của Evergrande, đã đi tàu suốt 20 giờ để tham gia vào dòng người tập trung bên ngoài trụ sở Evergrande ở Thâm Quyến. Anh Hu ban đầu đầu tư 100.000 nhân dân tệ sau khi được nhân viên Evergrande mời chào. Khi lấy về được khoản lãi 7%, anh ấy đã tiếp tục vay thêm một khoản để nâng vốn đầu tư lên 800.000 nhân dân tệ. Giờ đây anh đang đứng trước nguy cơ sẽ không thể lấy lại tiền đầu tư.

Tuy nhiên, "mê cung" tài chính của Evergrande không dừng lại ở đó. Bên cạnh những kênh huy động tiền kể trên, tỷ phú Hứa Gia Ấn còn thành lập một đơn vị đầu tư riêng biệt có tên Evergrande Wealth vào năm 2015 để tìm kiếm các nguồn tài trợ mới cho các lĩnh vực kinh doanh đa dạng của tập đoàn, từ chung cư đến xe điện và nước đóng chai.

Evergrande Wealth được biết đến như một công ty quản lý tài sản độc lập. Đây là một trong số những lĩnh vực ít chịu kiểm soát nhất trong hệ thống "ngân hàng bóng tối" rộng lớn của Trung Quốc.

Chính vì "miễn nhiễm" với các biện pháp kiềm toả của chính phủ, lĩnh vực này đã nhanh chóng phát triển thành một kênh tài trợ chính cho các công ty thiếu vốn của Trung Quốc, thông qua việc bán các tài sản đầu tư có lợi suất cao cho các nhà đầu tư giàu có.

Và Evergrande tận dụng môi trường quy định lỏng lẻo để kêu gọi đầu tư từ 70.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ khác nhau, bất chấp việc các công cụ kêu gọi vốn này thường chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức hoặc các cá nhân có ít nhất 1 triệu nhân dân tệ để đầu tư.

Evergrande vẫn chưa phản hồi về thông tin này.

Tin mới lên