Bóng dáng Quốc Cường Gia Lai trong những đại án gây chấn động

Minh Anh - 21/07/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan làm tổng giám đốc là doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng song cũng có nhiều tai tiếng, lùm xùm liên quan dự án đất công và vụ Trương Mỹ Lan…

Ngày 19/7, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Thị Như Loan về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh cơ quan chức năng mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan. Trong đó, có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM.

Dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn: Đại án Tập đoàn Cao su

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn có diện tích 6.202 m2. Đây là khu đất do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) quản lý.

Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn thuộc sở hữu Nhà nước, được giao cho Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa quản lý. Đây là hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Tháng 12/2009, hai doanh nghiệp trên góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (trụ sở tại số 39-39B Bến Vân Đồn) với vốn điều lệ 6 tỷ đồng.

Tới tháng 3/2010, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao khu đất 39-39B Bến Vân Đồn cho Phú Việt Tín để đầu tư, xây dựng dự án theo quy hoạch.

Sau khi được giao khu đất trên, Phú Việt Tín không triển khai dự án mà còn cơ cấu các bên góp vốn liên tục thay đổi.

Đến năm 2014, UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất là hơn 186 tỷ đồng. Công ty Phú Việt Tín đã nộp tiền.

Cũng trong năm 2014, Quốc Cường Gia Lai (QCGL) được cho là đã chi 465 tỷ đồng để mua vốn của Phú Việt Tín, sau đó bán cho hai pháp nhân và một cá nhân, thu lợi nhuận 382 tỷ đồng.

Cuối tháng 3/2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phúc Nguyên, trở thành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên. Nova Phúc Nguyên làm chủ đầu tư dự án trên khu đất.

Năm 2021, Thanh tra Chính phủ có kết luận đối với dự án tại khu đất 39-39B Bến Vân Đồn. Theo đó, việc Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm quy định pháp luật.

UBND TP.HCM có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá là không đúng với quy định pháp luật.

Liên quan đến dự án này, ngày 23/5/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Lê Quang Thung - cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - và nhiều đồng phạm tại tập đoàn này để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" khi đất công biến thành đất tư.

Hai dự án Phước Kiển: Dây dưa với Trương Mỹ Lan và Tất Thành Cang

Ngoài dự án nêu trên, QCGL còn từng vướng "lùm xùm" đối với vụ sai phạm tại 2 dự án Phước Kiển.

Dự án Phước Kiển 91,6ha là một dự án đáng chú ý nhất của QCG về độ lớn và quy mô cũng như những lùm xùm kiện cáo trong thời gian dài.

Theo đó, tháng 3/2017, QCG và CTCP Đầu tư Sunny Island (Sunny) đã ký với nhau hợp đồng mua bán liên quan đến Dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Theo hợp đồng, Sunny sẽ phải chuyển cho QCG số tiền 4.800 tỷ đồng theo lộ trình được quy định trong hợp đồng và QCG có nghĩa vụ chuyển nhượng phần đất tương ứng với số tiền đã nhận.

Khu đất thuộc dự án Phước Kiển hơn 32ha được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai.

Nhưng mâu thuẫn xảy ra khi Sunny chỉ giải ngân đến 2.882 tỷ đồng thì dừng lại.

Sau khi quá hạn chuyển tiền, QCG đã nộp đơn khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào cuối năm 2020 để giải quyết tranh chấp. Mong muốn của QCG là trả lại toàn bộ 2.882 tỷ đồng đã nhận từ Sunny, đổi lại phía Sunny phải chuyển nhượng lại toàn bộ phần đất đã nhận.

Đến nay, dù thắng kiện đối tác nhưng QCGL lại phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện dự án này. Đầu tiên công ty phải làm lại hồ sơ pháp lý từ đầu theo quy định mới của Luật Đầu tư. Thêm nữa, dự án Phước Kiển hiện vẫn còn vài phần trăm đất chưa giải phóng mặt bằng xong, theo quy định mới nếu chưa sẵn sàng 100% đất sạch sẽ không đủ điều kiện thực hiện dự án. Ngoài ra, trong dự án bị vướng 8-9 ha đất kênh rạch xen cài, bị gọi là đất công.

QCGL còn có một dự án khác tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Dự án này gắn liền với vụ án Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) bán đất công với giá rẻ.

Tháng 11/2000, Công ty Tân Thuận 100% vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè và được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư. Tổng diện tích dự án gần 51ha nhưng đến hết năm 2013, Công ty Tân Thuận mới đền bù được 32,4 ha.

Tháng 8/2016, QCGL có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển.

Ngày 5/6/2017, được sự cho phép của ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng hơn 32ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho QCGL với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách số tiền 419 tỷ đồng.

Tháng 12/2017, Văn phòng Thành ủy TP.HCM đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại giá trị khu đất. Theo Sở, trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất là hơn 574 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, Thường trực Thành ủy chỉ đạo tạm dừng việc chuyển nhượng khu đất cho QCGL, không đồng ý bán chỉ định. Hợp đồng chuyển nhượng sau đó đã bị hủy bỏ vào đầu năm 2018.

Sau đó, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho QCG số tiền trên cùng tiền lãi, gây thiệt hại cho Nhà nước 167,8 tỷ đồng.

Hồi đầu năm 2022, QCGL bị đề nghị xem xét trách nhiệm liên quan tới vụ chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển. Trước đó, tháng 10/2021, VKSND TP.HCM cũng trả hồ sơ, đề nghị tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm Công ty Tân Thuận và QCGL ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã bồi thường tại dự án khu dân cư Phước Kiển vào tháng 5/2018.

Vụ việc này khiến dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bị kỷ luật sau khi bán đất rẻ cho QCGL.

Tháng 4 vừa qua, hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án dự án này, tuyên trả gần 17 tỷ đồng cho QCGL.

Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM kết luận ông Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32ha đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận tại dự án Khu dân cư Phước Kiển cho QCGL là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo thường trực Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM trước khi quyết định.

Trong khoảng 10 năm qua, QCGL không chỉ dính lùm xùm liên quan tới 2 dự án Phước Kiển, dự án 39-39B Bến Vân Đồn mà còn nhiều tai tiếng liên quan tới việc công bố thông tin sai lệch và những vụ kiện tụng của khách hàng mua căn hộ trong các dự án của doanh nghiệp này.

Tới cuối quý I/2024, QCGL ghi nhận hơn 5.100 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó, có 2.882 tỷ đồng là khoản tiền đã nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển. Số tiền này liên quan tới vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử tuyên án buộc QCG phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là 2.882,8 tỷ đồng, để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án. Cơ quan điều tra cũng kiến nghị kê biên 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển.

Vì sao CEO Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan bị bắt giam?

Vì sao CEO Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan bị bắt giam?

Tiêu điểm
(VNF) - Ngày 19/7, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Như Loan, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.